Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm khi nhà đầu tư nuôi hy vọng về đà suy yếu của lạm phát cũng như sự đổi chiều trong quan điểm chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Chốt phiên giao dịch 11/12, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 157,06 điểm, tương đương 0,43%, lên 36.404,93 điểm, cao nhất kể từ tháng 1/2022. Chỉ số S&P 500 tăng 0,39% lên 4.622,44 điểm, cao nhất từ tháng 3 năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức tăng 0,2% lên 14.432,49 điểm.
Chỉ số Dow Jones chốt phiên cao nhất kể từ tháng 1/2022 |
Trước đó, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq vừa ghi nhận chuỗi tăng điểm dài sáu tuần liên tục. Trong tuần này, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới diễn biến của lạm phát, yếu tố mang tính chất quyết định tới lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang.
Báo cáo lạm phát tiêu dùng dự kiến được công bố ngày 12/12, đúng vào ngày Fed khai mạc kỳ họp cuối cùng của năm 2023, kéo dài trong hai ngày 12 và 13 tháng này. Giới chuyên gia dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 11 đi ngang so với tháng 10 và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 3,2% của tháng liền kề trước đó. Trong khi đó, CPI lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) không thay đổi so với tháng 10, lần lượt ở ngưỡng 0,3% và 4%.
Với đà suy yếu của lạm phát, Fed được dự báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở ngưỡng 5,25-5,5%. Trong cuộc họp báo sau khi phiên họp kết thúc, Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể tiếp tục khẳng định quyết tâm kéo giảm áp lực giá cả và thừa nhận những tín hiệu tích cực đối với lạm phát thời gian qua. Ông sẽ chưa sớm nói về khả năng cắt giảm lãi suất nhưng thị trường hiện dự báo xác suất khoảng 40% cơ quan này sẽ làm điều đó vào tháng 3 năm sau, với mức giảm đầu tiên 0,25%.
Đại Phú