Đà tăng của chứng khoán Mỹ sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất nối dài sang phiên giao dịch đầu tuần mới.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 23/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 61,29 điểm, tương đương 0,15%, lên 42.124,65 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,28% lên 5.718,57 điểm. Đây là số điểm cao kỷ lục mới của hai chỉ số này. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức tăng 0,14% lên 17.974,27 điểm.

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần thắng lợi xoay quanh sự kiện nổi bật nhất: Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm với 50 điểm cơ bản. Dù rơi vào trạng thái giằng co ngay sau khi phiên họp chính sách tiền tệ kết thúc, thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng trong những phiên còn lại của tuần, qua đó giữ vững “sắc xanh”.
Đáng chú ý nhất, trong phiên giao dịch 20/9, cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng nhau thiết lập số điểm kỷ lục mới khi lần lượt có lần đầu tiên vượt mốc 42.000 điểm và 5.700 điểm.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, nhà đầu tư đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng. Trong đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tại nền kinh tế số một thế giới tiếp tục sụt giảm xuống ngưỡng thấp nhất 15 tháng (từ 47,9 điểm xuống 47 điểm). Tuy nhiên, điểm sáng lại tới từ kết quả PMI dịch vụ, dù giảm nhẹ (từ 55,7 điểm xuống 55,4 điểm) nhưng vẫn nằm trên dự báo của giới chuyên gia, tiếp tục phản ánh sức bật tốt của lĩnh vực này. Sức mạnh của lĩnh vực dịch vụ góp phần giúp chỉ số PMI tổng hợp không sụt giảm quá sâu khi chỉ thấp hơn 0,2 điểm so với tháng trước, cao hơn dự báo.
Kết quả trên phần nào giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Trước đó, nhà đầu tư tỏ ra khá nhạy cảm đối với những dữ liệu “xấu” về nền kinh tế. Sự hoài nghi thậm chí còn lên cao ngay sau Fed thực hiện bước cắt giảm lãi suất lớn.
Tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm một số dữ liệu quan trọng khác bao gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, và kết quả tăng trưởng GDP quý II. Hiện tại, giới chuyên gia đang nghiêng theo kịch bản: đà suy yếu của lạm phát sẽ tạo thêm dư địa để Fed tiếp tục có một lần cắt giảm lãi suất mạnh 0,5% trong năm nay.
Kỳ vọng trên phần nào được thể hiện qua phát biểu của hai quan chức Fed: Raphael Bostic (Chủ tịch Fed Atlanta) và Neel Kashkari (Chủ tịch Fed Minneapolis). Họ giải thích lý do ủng hộ phương án giảm lãi suất 50 điểm cơ bản bắt nguồn từ những diễn biến tích cực của lạm phát và sự “hạ nhiệt” của thị trường lao động.
Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và Ủy viên ban điều hành Fed Michelle Bowman trong những ngày tới sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về lộ trình chính sách tiền tệ sắp tới.