Fica
  1. Quốc tế

Dow Jones 'rơi' 570 điểm, chứng khoán Mỹ đứt chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp

Đại Phú
Đại Phú

Tốc độ gia tăng chi phí nhân công nhanh hơn dự báo trước thềm bế mạc cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed khiến nhà đầu tư quan ngại.

Chứng khoán Mỹ vừa có một phiên “rơi điểm” mạnh khi nhà đầu tư gia tăng quan ngại Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ trì hoãn quyết định giảm lãi suất trước tốc độ tăng trưởng tiền lương cao hơn dự báo.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch 30/4, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 570,17 điểm, tương đương 1,49%, xuống 37.815,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,57% xuống 5.035,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh nhất với 2,04% xuống 15.657,82 điểm.

Kết quả trên mang tính chất đại diện cho một tháng 4 không mấy suôn sẻ của thị trường với chỉ số Dow Jones giảm 5%, mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng giảm khoảng 4,2%; chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn. Cả ba chỉ số đều khép lại chuỗi tăng kéo dài 5 tháng liên tiếp.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 30/4

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số chi phí nhân công, thước đo tiền lương và phúc lợi của người lao động, tăng 1,2% trong quý đầu năm, cao hơn dự báo 1% của giới chuyên gia. Sau khi thông tin trên được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ đồng loạt tăng với kỳ hạn 2 năm vượt mốc 5%.

Dù đứt chuối 5 tháng đi lên liên tiếp. chỉ số S&P 500 vẫn tăng hơn 20% so với đáy ghi nhận hồi tháng 10 năm ngoái nhờ vào cơn sốt AI cũng như sự lạc quan của nhà đầu tư vào nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, dữ liệu một vài tháng qua khiến nhà đầu tư hoài nghi liệu lạm phát cố kết có đang làm suy yếu kinh tế Mỹ trong khi vẫn khiến Fed phải dè chừng. Trong báo cáo tài chính quý I vừa qua, “ông lớn” ngành F&B tại Mỹ McDonald's đã phải lên tiếng cảnh báo về thực trạng khách hàng sẽ trở nên khắt khe hơn trong mỗi quyết định mua sắm vì giá cả leo thang.

Góp phần củng cố quan điểm trên, chỉ số đo lường niềm tin tiêu dùng của Conference Board giảm từ 103,1 điểm (tháng 3) xuống còn 97 điểm trong tháng 4, thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Kết quả trên đồng nghĩa với việc người dân Mỹ bi quan hơn về thị trường lao động cũng như các điều kiện kinh tế và kinh doanh trong thời gian tới.

Phiên họp của Fed sẽ khép lại vào ngày đầu tiên của tháng 5 với kết quả gần như chắc chắn cơ quan này tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, các quan chức Fed có thể tỏ rõ sự lưỡng lự trước quyết định sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh dữ liệu thời gian qua vẽ nên xu hướng tăng của lạm phát.

Ngoài quyết định chính sách lãi suất của Fed, nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm một dữ liệu quan trọng trong tuần này: báo cáo việc làm tháng 4, dự kiến công bố vào ngày 3/5. Giới chuyên gia dự báo có 205.000 việc làm phi nông nghiệp mới được tạo ra, thấp nhất kể từ tháng 11/2023.

Đại Phú