Fica
  1. Quốc tế

Dow Jones nối dài đà giảm, chứng khoán Mỹ trái chiều

Đại Phú
Đại Phú

Đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới diễn biến thị trường chứng khoán nước này.

Chỉ chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite hồi phục trong khi đà giảm của chỉ số Dow Jones nối dài trong phiên giao dịch 27/9. 

Cụ thể, chỉ số S&P 500 có thêm gần 1 điểm, tương đương 0,021%, lên 4.274,51 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,22% lên 13.092,85 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số Dow Jones thấp hơn 68,61 điểm, tương đương 0,2%, còn 33.550,27 điểm. 

Chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch 27/9

Giằng co là diễn biến chính của các chỉ số trên sau khi lợi suất chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thiết lập đỉnh mới sau 16 năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng nhích lên theo diễn biến chung. Thời gian qua, đà tăng lợi suất trái phiếu hình thành nên áp lực giảm điểm đối với thị trường chứng khoán khi kéo giảm sức hấp dẫn của các loại hình tài sản rủi ro. 

Tâm lý nhà đầu tư còn lung lay trước diễn biến tăng của giá dầu. Giá dầu quá cao gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế, đồng thời làm gia tăng rủi ro lạm phát quay trở lại, đặc biệt trong bối cảnh lộ trình nâng lãi suất của Fed dần đi tới hồi kết. 

Tuy nhiên, đây lại là tin vui đối với nhóm cổ phiếu dầu khí với thị giá cổ phiếu của Marathon Oil và Devon Energy đều tăng hơn 4%. Năng lượng đồng thời là nhóm ngành dẫn đầu đà tăng trong chỉ số S&P 500 với 2,5%. 

Trước đó một ngày, các chỉ số đều sụt giảm mạnh trên 1% sau khi một số dữ liệu kinh tế yếu được công bố với S&P 500 lần đầu xuống dưới ngưỡng 4.300 điểm kể từ đầu tháng 6. Dow Jones, trong khi đó, ghi nhận phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2023 với gần 400 điểm, xuống dưới đường MA200.

“Lạm phát vẫn là một nỗi lo lớn”, theo Greg Bassuk, CEO AXS Investments. “Nhà đầu tư chưa hết lo lắng về thực tế lãi suất cao cũng như tác động của nó tới tình hình hoạt động, kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông chia sẻ. 

Cũng giống như mọi năm, tháng 9 không phải quãng thời gian “êm đềm” đối với chứng khoán Mỹ. Tính từ đầu tháng, chỉ số S&P 500 mất khoảng 5%, trong khi Dow Jones cũng sụt giảm hơn 3%. Chịu tác động nặng nề nhất, chỉ số Nasdaq “đi lùi” hơn 6%.