Đồng yên giảm xuống ngưỡng thấp nhất 34 năm so với đồng USD, làm dấy lên đồn đoán chính phủ nước này sẽ sớm có những giải pháp can thiệp để làm chậm lại đà giảm của đồng tiền này.
Trong buổi sáng 27/3, tỷ giá JPY/USD tăng lên 151,97, vượt ngưỡng 151,95 ghi nhận hồi tháng 10/2022, trở thành ngưỡng cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1990.
Đồng yên nối dài đà suy yếu so với USD |
“Đà suy yếu của đồng yên đi ngược lại những nền tảng kinh tế cơ bản, bắt nguồn từ hành vi đầu cơ”, Masato Kanda. Thứ trưởng Tài chính phụ trách đối ngoại, chia sẻ với phóng viên. “Chúng tôi sẽ có những biện pháp phù hợp nhằm ổn định lại diễn biến của đồng yên. Tất cả các phương án sẽ được tính đến”, ông nói.
Dù Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa có lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, qua đó khép lại kỷ nguyên lãi suất âm toàn cầu, nhà đầu tư nhận định khoảng cách lãi suất giữa nước này với các nền kinh tế phát triển khác, nổi bật nhất là Mỹ, không thu hẹp đáng kể. Đó chính là lý do nhiều nhà đầu tư không cảm thấy mặn mà đối với đồng yên trong khi tiếp tục đổ tiền vào các đồng tiền khác trên thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó, Thống đốc Kazuo Ueda còn nhấn mạnh BoJ sẽ tiếp tục duy trì quan điểm hỗ trợ chính sách trong thời gian tới, châm ngồi không ít tranh cãi về bước đi tiếp theo của cơ quan này. Sau cuộc họp hồi tuần trước của BoJ, 62% trong số 47 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 10 năm nay nhưng đi cùng với đó là mức độ không chắc chắn về thời điểm rất cao.
Tổng cộng, Nhật Bản đã phải chi ra 59,3 tỷ USD trong năm 2022 để hỗ trợ đồng tiền nội địa. Lần can thiệp đầu tiên được thực hiện khi giá trị đồng yên cao hơn hiện tại.
Đại Phú