Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki, cơ quan chức năng nước này sẽ có những động thái cần thiết nhằm hạn chế đà mất giá của đồng yên. Đây có thể coi là tín hiệu cho sự sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ thêm một lần nữa sau khi tỷ giá JPY/USD tăng lên ngưỡng cao nhất 38 năm qua.
“Chúng tôi luôn mong muốn tỷ giá vận hành một cách ổn định. Những động thái một chiều, xảy ra quá nhanh là điều cần phải phòng tránh. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về diễn biến thời gian gần đây của tỷ giá tới nền kinh tế”, ông Suzuki chia sẻ với các phóng viên.
“Chúng tôi đang theo dõi diễn biến tỷ giá với mức độ cảnh giác cao, phân tích những yếu tố đứng sau biến động đó và sẽ đưa ra những biện pháp phù hợp”, ông bổ sung.
Đồng yên của Nhật Bản mất giá mạnh so với USD |
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Theo ông, Tokyo sẽ hành động “phù hợp” nhằm hạn chế những biến động quá lớn của tỷ giá. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra bình luận về thời điểm chính phủ Nhật Bản can thiệp thị trường.
Trong phiên giao dịch sáng 27/6 tại châu Á, tỷ giá JPY/USD neo ở ngưỡng 160,45, cách không quá xa mức đỉnh 38 năm 160,88 thiết lập chỉ đúng một ngày trước đó
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản phải đối diện với áp lực mất giá mạnh của đồng yên. Kể từ đầu năm 2024, giá của đồng tiền này đã giảm khoảng 12% so với đồng USD trong bối cảnh lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ còn nhiều khác biệt. Dù Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã bắt đầu tăng lãi suất điều hành, điều đó vẫn chưa đủ để chặn đứng đà xuống giá của đồng yên.
Với việc tỷ giá JPY/USD vượt mốc 160, thị trường dự báo chính phủ Nhật Bản có thể sẽ sớm phải can thiệp thị trường bằng cách mua vào đồng yên. “Nếu chính phủ không can thiệp kịp thời, tỷ giá JPY/USD có thể tăng lên ngưỡng 162”, Masafumi Yamamoto, Giám đốc chiến lược tiền tệ tại công ty chứng khoán Mizuho Securities, nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích vẫn tỏ ra nghi ngại về mức độ hiệu quả khi chính phủ can thiệp thị trường do thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vẫn chưa rõ ràng. Về phần mình, BoJ đã phát tín hiệu về khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, Tokyo đã chi ra tổng cộng 9.800 tỷ yên (61 tỷ USD) can thiệp vào thị trường ngoại vào giai đoạn cuối tháng 4-đầu tháng 5 sau khi đồng yên giảm xuống ngưỡng thấp nhất 34 năm so với đồng bạc xanh.
Đại Phú