Fica
  1. Quốc tế

Doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi lớn nhờ vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các nhà sản xuất container Trung Quốc đang hưởng lợi khi vụ tắc nghẽn kênh đào Suez càng khiến cho tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi lớn nhờ vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez - 1

Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez càng khiến cho tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn (Ảnh: TNS).

Theo nhà sản xuất container lớn nhất thế giới, điều tồi tệ hơn từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez gần đây là nhu cầu về container trên toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay, khiến giá vận tải được đẩy cao hơn.

Ông Mai Boliang - CEO của China International Marine Containers (CIMC) - cho rằng, trong thời kỳ đại dịch, giá container khô 20 feet (TEU) đã tăng gấp đôi so với một năm trước đó lên mức 3.500 USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm, giá sẽ không giảm nhiều do nhu cầu lẫn giá thành sản xuất container vẫn ở mức cao.

"Chúng tôi đã đủ đơn hàng cho nửa đầu năm 2021. Dự kiến, nhu cầu về container sẽ lên kỷ lục trong năm nay. Vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez mới đây có thể làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt container trong thời gian dài", ông Mai nói.

Kênh đào Suez - tuyến đường thủy lớn của thương mại toàn cầu nối Địa Trung Hải và Biển đỏ - đã lưu thông trở lại bắt đầu từ hôm 30/3 sau gần một tuần tắc nghẽn do một con tàu container siêu trường siêu trọng bị mắc cạn.

Tuy nhiên, có thể phải mất đến vài ngày hoặc vài tuần mới lưu thông hết hàng trăm con tàu đang bị mắc kẹt tại đây. Các nhà phân tích lo ngại, sự chậm trễ này có thể làm chậm việc xử lý các container rỗng tại các cảng và làm tình trạng thiếu hụt container trầm trọng hơn.

Gần đây, chi phí vận chuyển đã không giảm nhiều do các rào cản hậu cần vẫn còn. Theo chỉ số Freightos Baltic Index, cước vận chuyển từ Trung Quốc đi các bờ Đông và bờ Tây của Mỹ lần lượt đạt mức 5.735 USD và 4.909 USD cho mỗi container lớn hơn 40 feet. Trong khi đó, cước vận chuyển đến Bắc Âu qua kênh đào Suez là 7.485 USD cho cùng loại container trên.

CIMC có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) - nhà cung cấp khoảng một nửa container cho toàn thế giới - đã hoạt động hết công suất kể từ cuối năm ngoái khi Trung Quốc và các nước châu Á khác tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và châu Âu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt container.

Theo ông Mai, khoảng 98% container trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Trong đó, CIMC hiện vận hành 20 dây chuyền sản xuất container với công suất khoảng 220.000 TEU mỗi tháng, chiếm gần một nửa tổng công suất của toàn ngành này.

Năm ngoái, lợi nhuận ròng của CIMC đã tăng gấp đôi so với một năm trước đó lên 5,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 806 triệu USD), chủ yếu nhờ mảng kinh doanh container, chiếm khoảng 23% doanh thu của doanh nghiệp này.

Năm ngoái, doanh thu từ container của CIMC đạt hơn 1,9 tỷ Nhân dân tệ, tăng 13 lần so với một năm trước đó nhờ khối lượng lẫn giá container đều tăng vọt. Tính chung trong năm 2020, CIMC đã bán được hơn 1 triệu TEU, tăng 12% so với một năm trước đó, trong khi chi phí tăng 40%.

Ngoài nhu cầu trên toàn cầu tăng, ông Mai cho rằng, giá container tăng cao còn do giá thép tăng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, giá thép tăng một phần do sự bùng nổ cơ sở hạ tầng tại nước này. Giá các sản phẩm thép tại Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng kể từ đầu năm ngoái.

"Rất khó để giảm giá container trong năm nay, bởi chúng tôi vẫn tin rằng, nhu cầu cao đối với container vẫn chưa thể hạ nhiệt cho đến tháng 9 tới", ông Mai nói.

Nhật Linh
Theo SCMP