Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra vào năm 2018, do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Ảnh: SCMP
Mới đây, khi chia sẻ với tờ CNBC, vị chủ tịch của PwC Mỹ (một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) cho rằng, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc luôn là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp Mỹ quan tâm hàng đầu kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra.
Tuy nhiên, mối lo ngại này chỉ trở nên thực sự đáng quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo vị chuyên gia này, những nước sẽ được hưởng lợi từ quá trình di dời chính là các nước Đông Nam Á, Mexico và Mỹ.
Cuộc khảo sát của PwC đối với 578 CEO tại Mỹ được công bố tháng trước cho thấy sức hút của các chính sách thúc đẩy sản xuất tại Mỹ. Khoảng 46% trong số đó “hoàn toàn đồng ý” chính phủ nên tăng cường sản xuất các sản phẩm thiết yếu tại Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Đặc biệt, việc sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm bên ngoài Mỹ được chú ý trong thời kỳ đại dịch. Vào giai đoạn này, các nhà máy trên toàn cầu đóng cửa dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
“Sự kết hợp của chiến tranh thương mại và đại dịch phơi bày một sự thật rằng các nhà bán lẻ đã phụ thuộc quá lớn vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc”, Terry Lundgren, CEO Macy đánh giá vào đầu năm nay.
Cuộc chiến thương mại leo thang khiến chính quyền ông Trump và Trung Quốc áp đặt hàng tỷ USD thuế lên hàng hóa của nhau. Điều này thúc đẩy một số công ty dịch chuyển chuỗi cung ứng. Tổng thống Trump cũng nhiều lần thúc giục doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình này.
Một số nỗ lực chuyển sản xuất sang các nước mới đã bị kìm hãm bởi đại dịch. Đơn cử trường hợp của nhà sản xuất robot hút bụi iRobot đang chuyển sản xuất sang Malaysia để tránh thuế quan. “Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc này vào cuối năm nay”, Colin Angle - Giám đốc điều hành của iRobot cho biết.
Tuy nhiên, đại dịch đã làm gián đoạn kế hoạch. Gần 30% CEO được hỏi cho biết họ “hoàn toàn đồng ý” rằng các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc sẽ được tăng cường bất kể ai bước vào Nhà Trắng.
Cũng theo ông Ryan, mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn rất quan trọng. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nên giờ đây vẫn thấy đầu tư đổ vào. Dù vậy, trên cơ sở tương đối, chúng ta có thể thấy các công ty Mỹ đang có kế hoạch mở rộng ra ngoài nước này nhiều hơn và xu hướng đó sẽ tiếp tục diễn ra trong vài năm qua.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang dẫn trước ông Trump 7,9 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò quốc gia do RealClearPolitics tổng hợp.
Một phát hiện khác từ cuộc khảo sát của PwC là bất kể kết quả bầu cử như thế nào, 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự báo thuế doanh nghiệp sẽ tăng để chi trả cho hàng nghìn tỷ USD kích thích kinh tế thời gian qua. Thuế doanh nghiệp đã giảm từ 35% xuống 21% dưới thời Trump, thì giờ đây, Biden kêu gọi sẽ tăng nó lên 28%.
“Một trong những điều chúng ta cần cẩn trọng cân bằng là phải đảm bảo khả năng chi trả cho kích cầu. Chúng ta cần chắc chắn không được bỏ ai ở lại phía sau, nhưng cùng với đó, chúng ta không thể làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ, bởi vì điều đó cũng liên quan đến công ăn việc làm cho lao động”, Ryan nói.
Hương Vũ
Theo CNBC