Fica
  1. Quốc tế

Điều gì khiến giá dầu toàn cầu “bốc đầu” trong năm 2022?

Giá dầu đã tăng mạnh trong phần lớn năm 2022 khi nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại sau đại dịch trong khi nguồn cung bị siết chặt do cuộc chiến ở Ukraine và việc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn cắt giảm sản lượng.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng vọt trên 139 USD/thùng trong tháng 3 khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và sau đó duy trì ở mức cao khi nhu cầu tăng trở lại trong khi nguồn cung bị thắt chặt sau 2 năm đóng cửa vì đại dịch.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của năm 2022, cả hai hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đã giảm mạnh, đánh mất mọi thành quả có được trong thời gian qua. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 7/12, giá dầu Brent giảm còn 79,5 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1. Trong khi dầu WTI về mức 74,25 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Giá dầu_Reuters.jpeg

Giá dầu đã tăng trong phần lớn thời gian năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Vậy điều gì đã tác động đến thị trường dầu mỏ thời gian qua?

Nhu cầu nhiên liệu sụt giảm

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Nhưng trong năm 2022, chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của nước này đã làm giảm đáng kể sản lượng kinh tế, công nghiệp cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Các biện pháp hạn chế này đã làm nhu cầu dầu giảm 30-40% ở Trung Quốc.

Trong khi đó, mùa đông ở châu Âu năm nay bắt đầu ôn hòa hơn, làm giảm nhu cầu sử dụng các nhiên liệu khác bao gồm các sản phẩm chưng cất như dầu sưởi.

Hoạt động kinh tế nói chung cũng suy giảm trên toàn cầu, đáng chú ý không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Mỹ.

Lãi suất và đồng USD cao hơn

Để chống lại lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới, các ngân hàng trung ương đã đồng loạt tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và thị trường lao động.

Lãi suất tăng đã làm tăng giá đồng USD, gây áp lực lên giá dầu. Do đồng bạc xanh mạnh lên khiến các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn với người mua nắm giữ tiền tệ khác.

Lo nguồn cung thắt chặt

Hồi tháng 10, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh, bao gồm cả Nga, gọi tắt là OPEC+ đã khiến Mỹ và các nước phương Tây khác tức giận vì quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, bắt đầu từ tháng 11.

Lý do mà OPEC+ đưa ra là do triển vọng kinh tế suy yếu, chứ không chỉ nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, khoảng một nửa sản lượng cắt giảm trên chỉ diễn ra trên giấy tờ, bởi thực tế nhóm này thường xuyên không đạt mục tiêu sản lượng.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ lại tăng lên. Sản lượng nội địa của Mỹ tăng chậm nhưng gần đây cũng đạt 12,2 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ làn sóng Covid thứ nhất bắt đầu diễn ra vào tháng 3/2020.

Sự phục hồi của thị trường dầu mỏ thế giới cũng dựa trên mối lo ngại rằng nguồn cung của Nga sẽ bị sụt giảm khi một loạt lệnh trừng phạt từ các quốc gia châu Âu và Mỹ dội xuống nước này. Trên thực tế, mặc dù sản lượng dầu của Nga đã giảm, song không mạnh như dự đoán.

Đầu tuần này, các nước G7 và Australia đã áp giá trần đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng nhằm giảm nguồn thu từ dầu của Nga, cản trở khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, kể từ khi các nước phương Tây xa lánh dầu Nga, nước này đã bán dầu cho các quốc gia trung lập như Trung Quốc, Ấn Độ ở mức chiết khấu cao. Do đó, động thái áp giá trần của G7 và EU được các chuyên gia cho rằng ít có khả năng làm gián đoạn thị trường.

Nhà đầu tư tháo chạy

Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã xây dựng các vị thế lớn đối với các hợp đồng dầu thô sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng rời bỏ thị trường, khiến đà hồi phục của thị trường dầu mất đi sự hỗ trợ.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy, vị thế mua dài hạn của các quỹ phòng hộ đối với các hợp đồng dầu Brent đã gần chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tỷ lệ giữa vị thế mua và vị thế bán đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Nhật Linh

Theo Reuters