Fica
  1. Quốc tế

Điểm sáng từ hoạt động thương mại tháng 9 của Trung Quốc

Tốc độ sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu của nền kinh tế số hai thế giới tiếp tục chậm lại.

Hoạt động thương mại của Trung Quốc vẫn chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng trong tháng 9, phản ánh sức hồi phục chậm của nền kinh tế, theo dữ liệu hải quan công bố ngày 13/10. 

Cụ thể, tính trên giá trị USD, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế thứ hai thế giới đạt 299 tỷ USD, thấp hơn 6,2% so với tháng 9/2022. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận tốc độ sụt giảm tương tự trong cùng giai đoạn. 

Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc liên tục sụt giảm kể từ tháng 5/2023 trong khi lần gần nhất kim ngạch nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng cách đây đúng một năm về trước. 

Hoạt động thương mại của Trung Quốc chưa thể quay lại đà tăng trưởng

Trong tháng vừa qua, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tới các đối tác thương mại lớn tiếp tục đi thụt lùi với Liên minh châu Âu (EU) giảm 12%, ASEAN giảm gần 16%. Các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... cũng sụt giảm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Australia, Brazil và Nga tăng. Thặng dư thương mại của nước này đạt 77,7 tỷ USD trong tháng vừa qua. 

Điểm sáng hiếm hoi tới từ thực tế: tốc độ sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu đều chậm lại so với tháng 8 (6,2% so với 8,8% đối với xuất khẩu và 7,3% đối với nhập khẩu), phản ánh tín hiệu cải thiện nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất tại nền kinh tế số hai thế giới bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối diện với nhiều thách thức phía trước, bao gồm khủng hoảng bất động sản và lực cầu nội địa yếu. Trong khi đó, nền kinh tế nước này cũng đang đứng trên bờ vực giảm phát sau khi lạm phát tháng 9 quay trở lại ngưỡng 0%. 

Trong báo cáo triển vọng toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 từ 5,2% xuống 5%. 

Ngày 18/10 tới, Trung Quốc sẽ công bố số liệu doanh số bán lẻ và GDP quý III. 

Đại Phú