Các cột xi măng trên sông Moraca như một phần của dự án xây dựng đường cao tốc Bar-Boljare ở Montenegro năm 2018. Ảnh: Reuters
Vào năm 2014, quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu, Montenegro đã nhìn thấy cơ hội có thể phóng lên vũ đài thế giới khi họ vay 750 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc giữa biển Adriatic và Serbia.
Dự án đường cao tốc này mang tên “The 103-mile Bar-Boljare” và được tài trợ như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dự án này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và giúp mở đường cho một quốc gia trẻ như Montenegro có cơ hội hòa nhập vào Liên minh Châu Âu (EU).
Chính phủ đã mô tả dự án này như sau: Đó là con đường cao tốc 165 km, với những cây cầu hùng vĩ và những đường hầm sâu. Đây là công trình của thế kỷ và là con đường dẫn đến thế giới hiện đại. Con đường được thiết kế để nối cảng Bar trên bờ biển Adriatic của Montenegro với nước láng giềng Serbia.
Sáu năm sau, đại dịch Covid-19 đã xảy đến và phá hủy cuộc sống cũng như nền kinh tế trên toàn thế giới, với khoản nợ khổng lồ và một con đường cao tốc dẫn tới “hư không”. Dự án này tại Montenegro đang đầy những lo ngại và ảnh hưởng tới “điểm số” của các dự án BRI khác trên khắp châu Á, châu Phi và Đông Âu.
Dự án này đã tăng nợ công của Montenegro lên 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngành công nghiệp du lịch quan trọng của đất nước đang quay cuồng bởi đại dịch. Và cơ quan xếp hạng Moody từ hồi tháng 3 đã hạ triển vọng tín dụng của Montenegro xuống dưới mức ổn định, với lý do được đưa ra là bởi dự án đường cao tốc mà đất nước này đang thực hiện.
Để bảo vệ dự án "thú cưng" của mình, Thủ tướng Dusko Markovi cho biết hồi tháng trước tại thủ đô Podgorica rằng: “Đường cao tốc Bar-Boljare không chỉ đơn thuần là một con đường thông thường mà nó chính là con đường dẫn đến hệ thống giá trị phương Tây”.
Một tuyên bố của chính phủ nước này cho biết thêm: Thủ tướng Markovi nhấn mạnh rằng không có cuộc thảo luận nào về việc phá sản hay lệ thuộc vào nợ, vì những điều đó thường chỉ được suy đoán.
Các quốc gia BRI như Montenegro đã mắc nợ sâu với Bắc Kinh và phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến đại dịch khi giá cả hàng hóa lao dốc, giao dịch chao đảo và tỷ giá hối đoái thay đổi.
Có lẽ một cuộc khủng hoảng nợ mang đặc tính Trung Quốc đang xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thêm vào thách thức của việc quản lý nợ toàn cầu là đặc điểm thiếu minh bạch của Bắc Kinh.
Giáo sư Brad park, Giám đốc điều hành của AidData, một đơn vị thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, và đồng tác giả của một nghiên cứu nói về các hoạt động cho vay của Trung Quốc được phát hành vào tháng trước bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD ) đã nói rằng: “Chính phủ Trung Quốc coi các thông tin của chương trình cho vay ở nước ngoài là một bí mật quốc gia. Không ai thực sự biết các con số đó”.
Các chuyên gia ước tính rằng, trước cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra, các khoản nợ được giấu kín mà các quốc gia đang phát triển vay Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD, nhiều hơn cả tổng số nợ của họ đối với Câu lạc bộ Paris, thậm chí tổng số nợ đó còn nhiều hơn cả số số nợ với các ngân hàng quốc tế hoặc Quỹ tiền tệ quốc tế.
Các khoản vay của Trung Quốc đã giúp tài trợ cho các dự án năng lượng, khai thác, thủy điện và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác ở hơn 100 quốc gia đang phát triển theo Sáng kiến Vành đai và Con đường ước tính trị giá 8 nghìn tỷ USD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các hoạt động cho vay đơn lẻ của Trung Quốc sẽ khiến nhiều nước đang phát triển ngày càng dễ bị tổn thương trong môi trường hiện tại.
Trong số các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ, các nhà phân tích cho biết, có các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa như là Angola, Ecuador, Nigeria và Venezuela; các nền kinh tế châu Á nhỏ hơn như Lào, Campuchia và Cộng hòa Slovak; và các quốc gia ở châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh.
CGD nhận thấy rằng, 15 trong số 68 quốc gia có dự án "Vành đai và Con đường" phải đối mặt với nguy cơ khó khăn về nợ nần - về cơ bản là không có khả năng trả nợ, trong đó có 8 quốc gia khác có nguy cơ rất cao.
Trong 2.453 khoản vay của Trung Quốc cho 157 quốc gia, có khoảng 23% các khoản vay chủ yếu đến các nước nghèo nhất và họ được nhận những điều khoản ưu đãi từ Trung Quốc, thậm chí với lãi suất bằng 0. Về cơ bản, các quốc gia này sẽ trở thành một phần mở rộng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trung Quốc có trữ lượng tiền tệ rất lớn và nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ vượt qua Mỹ về quy mô tuyệt đối trong những năm tới. Nhưng bất kỳ sự vỡ nợ nào cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc chao đảo. Và với những gì mà Trung Quốc đang phải gánh chịu hiện nay: tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 6,2%, nợ xấu từ các công ty nhà nước zombie, 460.000 công ty Trung Quốc có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn. Ta có thể thấy rằng một mối đe dọa lớn đang bao trùm lên các quốc gia trên Vành đai và Con đường.
Thùy Dung
Theo SCMP