Fica
  1. Quốc tế

Đến lượt dân Trung Quốc “kỳ thị” thực phẩm nhập khẩu

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Người tiêu dùng Trung Quốc đang bày tỏ nỗi thất vọng trước hàng loạt các tin tức về việc virus- SARS- CoV-2 xuất hiện trên các bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, và điều này đang tạo nên làn sóng tẩy chay hàng hóa nhập từ nước ngoài.

Trái ngược với những gì từng diễn ra vào đầu đại dịch, khi nhiều nước trên thế giới tẩy chay hàng hóa xuất xứ Trung Quốc vì lo sợ dịch bệnh Covid-19 lây lan thì giờ đây, người dân Trung Quốc lại đang sợ hàng hóa thực phẩm nhập từ nước ngoài sau nhiều thông tin phát hiện virus trên bao bì thực phẩm nhập khẩu.

Trung Quốc phát hiện virus corona gây Covid-19 trong hàng đông ...

Nhiều chuyên gia nhận định virus có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm đông lạnh tới 3 tháng và "có mối nghi ngờ cao" rằng thực phẩm bị nhiễm bệnh là nguồn tạo ra ổ dịch mới. Ảnh: SCMP

Vào hôm 13/8, hai thành phố lớn tại Trung Quốc đã liên tục tìm thấy dấu vết vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên lô hàng cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và tôm từ Ecuador. Thông tin này làm dấy lên lo ngại trong công chúng, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm qua thực phẩm. WHO cũng kêu gọi mọi người không lo ngại về thực phẩm.

Tuy nhiên, anh Chao – một cư dân Thượng Hải - cho biết, anh sẽ chọn nhiều món ăn địa phương hơn kể từ bây giờ. Anh nói: “Tôi sẽ không chọn các sản phẩm nhập khẩu, vì hiện tại tình hình dịch bệnh ở nước ngoài còn nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc”.

Dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, nhưng nước này đã kiểm soát được dịch. Trung Quốc hiện chuyển hướng tập trung vào việc ngăn chặn các ổ dịch trong nước và các ca nhiễm từ nước ngoài vào Trung Quốc.

Những lo ngại về rủi ro từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu lần đầu tiên xuất hiện khi virus được tìm thấy trên thớt ở chợ đầu mối Tân Phát Địa (Xinfadi) ở Bắc Kinh vào tháng Sáu. Người bán hàng đã sử dụng thớt này để chế biến cá hồi nhập khẩu.

Cá hồi từ châu Âu từng bị Trung Quốc tẩy chay khi phát hiện dấu vết virus trên thớt làm cá tại một ngôi chợ ở Bắc Kinh.

Tại các siêu thị và các chợ trực tiếp ở Trung Quốc, cá hồi đã bị rút xuống khỏi kệ sau khi ổ dịch tại chợ thực phẩm Tân Địa Phát được phát hiện với hơn 100 ca nhiễm. Ảnh: Reuters

Sau khi đại dịch khiến doanh thu 4 tháng đầu năm sụt giảm 30%, làn sóng tẩy chay cá hồi tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào các nhà xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc. Trước khủng hoảng, 4 nước xuất khẩu lớn nhất là Chile, Na Uy, Australia và quần đảo Faroe của Đan Mạch đã chứng kiến quy mô lực cầu tăng lên mức 686 triệu USD trong năm ngoái, hưởng lợi từ việc thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng lên và người Trung Quốc có xu hướng chuyển sang chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh hơn.

Austin Hu - bếp trưởng tại nhà hàng cao cấp Heritage by Madison ở Thượng Hải cũng chia sẻ về tình trạng chậm trễ trong việc nhận hải sản sống như hàu sau vụ việc, khi các nhà chức trách tăng cường kiểm tra. Cũng theo ông Hu, giờ đây, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đã giảm sút đáng kể.

Người Trung Quốc cảnh giác khi phát hiện vi rút trên thực phẩm nhập khẩu - 1

Bếp trưởng Austin Hu đang chế biến các nguyên liệu hải sản đông lạnh. Ảnh: Reuters

“Mọi thứ đều khó khăn hơn, đặc biệt là hải sản, kể từ sự cố với tôm và cá hồi gần đây”, ông Hu chia sẻ.

Khi được hỏi về lô hàng nhập khẩu từ Brazil, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết các nhà chức trách đang làm việc với quốc gia liên quan và từ chối bình luận về việc liệu quy trình nhập khẩu có bị hạn chế hay không.

Tuy nhiên, những người tiêu dùng nói rằng họ đang đặt niềm tin hoàn toàn vào chính quyền và những người bán.

Một người đàn ông họ Lei lên tiếng: “Chúng ta cần phải cẩn trọng hơn nữa, nhưng tôi nghĩ rằng thực phẩm trưng bày ở quầy hàng khá an toàn. Nếu họ có thể bán nó, thì sản phẩm đó không có vấn đề”.

Trong 1 nghiên cứu công bố hồi tháng 4, các nhà nghiên cứu của Tổ chức nông lương liên hợp quốc (FAO) kết luận virus corona chủng mới không ảnh hưởng đến các loại hải sản cũng như các sản phẩm liên quan. Có thể bỏ qua nguy cơ nếu "thực phẩm được xử lý đúng cách và hợp vệ sinh" mặc dù bề mặt thực phẩm có thể bị "ô nhiễm" nếu được xử lý bởi người mắc virus, các nhà khoa học viết trong báo cáo

                                                                            Hương Vũ

                                                                           Theo Reuters