Ảnh minh họa: Bloomberg
Khoản đầu tư thành vô giá trị sau một đêm
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 70% nhu cầu tiêu thụ dầu trong nước. Tuy nhiên, khi giá dầu thô trên thị trường quốc tế lao dốc thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thậm chí giá dầu WTI kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch New York (Mỹ) xuống âm 37,63 USD/thùng, Trung Quốc cũng không hưởng lợi nhiều từ điều này.
Trái lại, thị trường dầu thô sụp đổ gây nhiều bức xúc ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Một công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc cho biết, giá dầu lao dốc đang kéo theo những rủi ro chưa từng có, trong khi đó 1 trong 4 ngân hàng quốc doanh bị chỉ trích vì không kịp chấm dứt các hợp đầu dầu kỳ hạn để tránh lỗ cho khách hàng.
Sàn giao dịch dầu kỳ hạn của Trung Quốc cũng thường xuyên bị buộc ngừng giao dịch do quy định giá trần hàng ngày. Sàn giao dịch dầu kỳ hạn Thượng Hải phải tạm ngừng giao dịch hôm 22/4 không lâu sau khi giá mở cửa lao dốc vượt giới hạn 10%. Sự biến động mạnh của thị trường khiến các nhà giao dịch dầu ở Trung Quốc tức giận khi mà chỉ qua một đêm các hợp đồng của họ bỗng chốc trở nên vô giá trị.
Giá dầu biến động chưa từng thấy trong lịch sử cũng là ác mộng đối với không ít nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc, những người đã mua các sản phẩm đầu tư liên quan đến các hợp đồng giao dịch dầu ở nước ngoài. Ngân hàng Trung Quốc (BOC), một trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn ở nước này, buộc phải hoãn các khoản đầu tư mới vào sản phẩm liên quan đến các hợp đồng dầu khí kỳ hạn trên sàn giao dịch Mỹ hôm 22/4 sau khi thị trường dầu kỳ hạn Mỹ trải qua một đêm chưa từng có trong lịch sử với giá dầu kỳ hạn âm.
“Chúng ta cần phải cảnh giác trước nguy cơ giá dầu quốc tế có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính”, Guan Tao, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc, người từng làm việc tại Cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc, cảnh báo. Ông Guan cho rằng, giá dầu giảm xuống mức thấp trong một thời gian dài có thể cuốn sạch lợi nhuận của ngành dầu khí và khiến giá trị của các cổ phiếu, trái phiếu liên quan lĩnh vực dầu khí bốc hơi.
“Hồi chuông báo động” với ngành dầu khí Trung Quốc
Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. (Ảnh: Reuters)
Trong hàng chục năm trở lại đây, một trong những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc là tìm kiếm nguồn cung năng lượng an toàn và ổn định nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước ngày càng tăng. Để làm điều này, Trung Quốc đã đổ không ít tiền vào các dự án đắt đỏ ở nước ngoài. Giá dầu lao dốc sẽ gióng một hồi chuông báo động đối với các dự án đầu tư vào khai thác dầu khí trước đó của Trung Quốc, đặc biệt các dự án chi phí cao, Bai Jun, một thành viên ủy ban kinh tế của Hiệp hội dầu khí Trung Quốc, nhận định. “Điều này có thể dẫn đến sự điều chỉnh ở phía cung, song sẽ không xảy ra một sớm một chiều”, ông Bai Jun nói.
Giá dầu thấp cũng cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong thúc đẩy nguồn cung dầu thô nội địa, một phần quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn vào năm 1996, nước này phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô để đáp ứng đến hơn 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây là động lực để chính phủ Trung Quốc thúc đẩy sản xuất dầu khí trong nước thông qua Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroChina, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc Sinopec và Công ty khai thác dầu khí ngoài khơi CNOOC. Khi giá dầu xuống còn 20 USD/thùng, hoạt động khai thác dầu trong nước của Trung Quốc sẽ trở nên không có lợi nhuận bởi chi phí sản xuất trung bình ước tính khoảng 50 USD/thùng.
Trong một bình luận hồi đầu tuần này, PetroChina nói rằng, giá dầu lao dốc đã bộc lộ ra điểm yếu của họ là “to nhưng không mạnh”, trong khi đó Sinopec cho biết sắp phải “thắt hầu bao” trong một thời gian dài. Giá cổ phiếu của PetroChina đã giảm 1/3 kể từ đầu năm trong khi của CNOOC giảm 40%, của Sinopec bốc hơi khoảng 20%.
Với 200 triệu người sở hữu xe hơi ở Trung Quốc, giá dầu quốc tế giảm lại không đồng nghĩa với việc giảm chi phí nguyên liệu do điều này còn phụ thuộc vào thị trường bán lẻ có điều tiết. Thực tế, Trung Quốc hiện định giá các sản phẩm dầu như xăng và dầu diesel với tham chiếu giá dầu thô 40 USD/thùng, do vậy giá dầu quốc tế giảm tới mức nào thì chi phí nguyên liệu của người tiêu dùng vẫn không thay đổi đáng kể.
Trung Quốc không còn nhiều chỗ chứa dầu
Năng lực dự trữ dầu của Trung Quốc còn hạn chế. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Một trong những yếu tố khác làm giảm mức độ hưởng lợi của Trung Quốc từ giá dầu thấp đó là khả năng dự trữ dầu hạn chế. Ông Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết các kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc sắp không còn chỗ trống. Ông nói, Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển các cơ sở dự trữ mới để tăng mức dự trữ dầu lên 120 ngày tiêu thụ, so với mức 90-100 ngày như hiện tại.
Các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ và độc lập ở Trung Quốc được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu thấp, nhưng trớ trêu là khả năng dự trữ của các doanh nghiệp này rất hạn chế và lại bị cấm bán dầu thành phẩm ra nước ngoài.
Minh Phương
Theo SCMP