Fica
  1. Quốc tế

Dân Trung Quốc tẩy chay hàng Mỹ trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Có tới 78% người Trung Quốc được phỏng vấn cho biết, họ sẽ tránh mua hàng Mỹ mà chọn các sản phẩm của Trung Quốc trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất của nước này - ngày Độc thân 11/11, theo khảo sát của AlixPartners.

Dân Trung Quốc tẩy chay hàng Mỹ trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất - 1

Người tiêu dùng Trung Quốc nói rằng họ sẽ chọn các nhãn hiệu địa phương trong ngày mua sắm - ngày Độc thân 11/11.

Khảo sát của AlixPartners thực hiện với 2.000 người tiêu dùng Trung Quốc ở độ tuổi trưởng thành trong khoảng thời gian từ ngày 2 - 7/10. 

Kết quả cuộc khảo sát đã cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài hàng năm đang dần ngấm vào ngành bán lẻ và thay đổi cách tiêu tiền của người tiêu dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Hai nước đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm khác của nhau trong hơn một năm qua, với những động thái “ăn miếng trả miếng” đang làm giảm doanh số bán lẻ và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.

“Người tiêu dùng Trung Quốc rất thích các thương hiệu địa phương, và sự gia tăng gần đây trong xu hướng yêu nước đã thúc đẩy điều này hơn nữa”, Jason Ong, giám đốc của AlixPartners tại Thượng Hải cho biết.

“Đã đến thời kì của các thương hiệu địa phương ở Trung Quốc. Đó không còn là những thương hiệu rẻ tiền với sản phẩm kém trong thiết kế, chất lượng hay tiếp thị yếu kém”.

Ngày độc thân 11/11, còn được gọi là “11 nhân đôi”, lễ hội mua sắm trực tuyến 24 giờ trên các nền tảng của Alibaba Group Holding, Taobao, Tmall và AliExpress đã phát triển thành sự kiện thương mại điện tử lớn nhất thế giới, làm lu mờ các ngày lễ hội mua sắm trên Amazon như Thứ Sáu Đen (Black Friday) hoặc Thứ Hai Điện Tử (Cyber Monday).

Năm ngoái, doanh số hàng hoá bán ra trong ngày 11/11 đã đạt mức kỷ lục với tổng cộng 30 tỷ USD. Đó là con số lớn nhất được ghi nhận kể từ khi sự kiện này được bắt đầu vào năm 2009 bởi "ông trùm" thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý chậm nhất của Trung Quốc kể từ năm 1992 đã không làm giảm nhiệt tình của người tiêu dùng Trung Quốc. Những người mua sắm từ hai thành phố giàu có nhất Trung Quốc - như Bắc Kinh và Thành Đô - cho biết họ dự định sẽ chi thêm 54% trong năm nay với mức chi trung bình 6.265 nhân dân tệ (887 USD).

Tuy nhiên, việc tránh các thương hiệu Mỹ có thể thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc chọn các thương hiệu nước ngoài khác, bao gồm cả các thương hiệu từ Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt là các thương hiệu được coi là có chất lượng cao hơn và được thiết kế tốt hơn, theo khảo sát của AlixPartners.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy có 30% số người được hỏi mong muốn mua hàng từ các thương hiệu nước ngoài.

“Người tiêu dùng Trung Quốc là người thực dụng; họ sẽ không hy sinh chất lượng chỉ đơn giản là mua sản phẩm của Trung Quốc - họ là những người tiêu dùng ngày càng tinh vi”, ông Ong cho biết.

Thùy Dung

Theo Scmp