Fica
  1. Quốc tế

Đài Loan và Mỹ tiến dần tới Hiệp định Thương mại Song phương

Đài Loan hiện đã đơn phương loại bỏ một phần rảo cản thương mại với Mỹ – điều mà từ lâu Mỹ đã cho là trở ngại lớn đối với các cuộc đàm phán thương mại.

 

Đài Loan trước nguy cơ bị "mắc kẹt" trong giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc

Đài Loan tỏ ra sẵn sàng thực hiện các cải cách cần thiết trong nước để tham gia vào các hiệp định thương mại toàn diện và tiêu chuẩn cao. Đây là một dấu hiệu tích cực cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Mỹ và với các đối tác thương mại khác, cũng như khả năng tham gia vào các hiệp định khu vực và đa phương.

Mối quan tâm đến Hiệp định Thương mại Song phương (BTA), giữa Mỹ và Đài Loan đã giảm dần kể từ khi Đài Loan gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2002. Nhưng năm ngoái , Mỹ đã gia tăng đáng kể sự ủng hộ đối với bước tiếp theo tích cực của Đài Loan trong quan hệ kinh tế song phương. Điều đó đã được thể hiện qua lá thư gửi cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer được ký bởi 161 thành viên Hạ viện Mỹ và một lá thư khác vào tháng 7 từ Thượng nghị sĩ Cộng hòa Colorado Cory Gardner.

Đạo luật sáng kiến Tăng cường và Bảo vệ đồng minh quốc tế Đài Loan hay còn được gọi tắt là TAIPEI - một Đạo luật của Quốc hội Mỹ nhằm mục đích gia tăng phạm vi quan hệ Mỹ - Đài Loan và khuyến khích các quốc gia và tổ chức quốc tế khác tăng cường quan hệ chính thức và không chính thức với lãnh thổ Đài Loan, có hiệu lực vào tháng 3 vừa qua được coi là một bước tiến mới quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Đài.

Sự hỗ trợ cho Hiệp định Thương mại Song phương BTA cũng rất mạnh mẽ ở Đài Loan. Tổng thống Tsai thường bày tỏ quan điểm rằng chính phủ của bà sẵn sàng ký một hiệp định thương mại và đây là điểm được nhắc đến thường xuyên trong các cuộc nói chuyện của các quan chức bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Joseph Wu và đại diện mới của Đài Loan tại Mỹ Hsiao Bi-khim. BTA cũng là một chủ đề quan trọng vào tháng trước trong chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar.

Đối với Mỹ, BTA sẽ giúp mở rộng mối quan hệ kinh doanh và thương mại vốn đã rộng lớn của nước này đối với Đài Loan và biến nước này trở thành đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực chiến lược thiết yếu.

Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ, thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ tám, một điểm đến chính cho xuất khẩu LNG và là nhà cung cấp linh kiện chính cho các công ty công nghệ Mỹ. Là một trung tâm sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, Đài Loan hiện đang đóng một vai trò vượt trội trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu – một vấn đề rất quan trọng đối với sự lãnh đạo đổi mới của Mỹ.

Đài Loan cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 15 của Mỹ trong năm 2019 và các công ty hàng đầu như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã công bố các khoản đầu tư đáng kể trong tương lai vào Mỹ.

Các cuộc đàm phán thương mại song phương Mỹ - Đài Loan đã diễn ra sôi nổi trong nhiều năm nay. Cuộc họp cuối cùng trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) - cơ chế hiện có cho các cuộc đàm phán thương mại - đã diễn ra vào tháng 10 năm 2016. Do đó, các cuộc đàm phán BTA có thể sẽ đóng vai trò như một đường dẫn để giải quyết những lo ngại hiện có của Mỹ xung quanh vấn đề sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế, giúp đỡ giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại kỹ thuật số và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến nhãn mác, quy định và tính minh bạch.

Chúng cũng có thể đóng vai trò như một nền tảng cho các cuộc thảo luận về việc phát triển các tiêu chuẩn chung, đối phó với các rào cản thương mại phi thuế quan và các cách tiềm năng để giải quyết thâm hụt thương mại Mỹ-Đài Loan.

Đối với Đài Loan, Hiệp định Thương mại Song phương BTA mà họ ký với Mỹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ vì lợi ích trực tiếp rõ ràng của nó đối với nền kinh tế Đài Loan và liên quan đến việc gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng - mà còn là một bước để tiến tới các hiệp định thương mại bổ sung. Đài Loan đã có thêm các thỏa thuận với một số đối tác thương mại khác, nhưng một thỏa thuận với Mỹ sẽ là điểm mấu chốt để khuyến khích những đối tác khác làm theo.

Trung Quốc hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan. Nếu Đài Loan không thể gia tăng thêm mối quan hệ với các đối tác thương mại khác của mình thì quốc gia này có thể sẽ buộc phải phụ thuộc hơn nữa vào kinh tế của Trung Quốc.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đài Loan không mang lại lợi ích cho Mỹ và có khả năng gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh và an ninh của Mỹ trong khu vực. BTA mà hai nước Mỹ - Đài ký kết với nhau sẽ cho phép Đài Loan điều chỉnh lại hoạt động kinh tế của mình đối với Trung Quốc.

Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Đài Loan cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên và Đài Loan đã chứng minh một cách thuyết phục rằng họ cam kết hoàn toàn với mối quan hệ thương mại ý nghĩa này.

Thùy Dung

Theo Asia Nikkei