Fica
  1. Quốc tế

Đại diện Thương mại Mỹ khuyên ông Biden tiếp tục áp thuế "kìm" Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo Đại diện Thương mại Mỹ, chính quyền Biden nên tiếp tục gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I.

Đại diện Thương mại Mỹ khuyên ông Biden tiếp tục áp thuế kìm Trung Quốc - 1

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He năm 2019. Ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Lighthizer cho rằng, Bắc Kinh đã tuân thủ "khá tốt" trong các điều khoản thuộc thỏa thuận thương mại. Ông cũng đồng tình cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đúng trong việc cắt giảm thương mại và áp đặt thuế quan đơn phương đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD.

Vào hồi tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đồng ý mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới và đưa ra các cam kết về những vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn bắt buộc chuyển giao công nghệ.

Theo hải quan Mỹ, những thuế quan do Trung Quốc đưa ra đã khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ thiệt hại hơn 71,6 tỷ USD kể từ tháng 7/2018 khi thương chiến nổ ra. Điều này buộc các công ty Mỹ phải dịch chuyển chuỗi cung ứng, làm gián đoạn thị trường tài chính và giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo vị đại diện thương mại của Mỹ, ông nhận định Bắc Kinh đã không theo được nhiều so với những mục tiêu đề ra trong các cam kết mua hàng hóa, một phần là do tác động của đại dịch.

"Một khi thuế quan biến mất, đó là tín hiệu cho thấy chính quyền Joe Biden chưa thực sự coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược", ông Robert Lighthizer cũng nhấn mạnh sẽ cố gắng duy trì quan điểm của mình trong việc giữ nguyên các đòn trừng phạt.

Vào hồi tháng 8 năm nay, ông Biden nghĩ rằng, thỏa thuận giai đoạn 1 đã "thất bại". Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ New York Times vào đầu tháng này, ông Joe Biden nêu rõ quan điểm rằng ông sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ mức thuế quan do người tiền nhiệm Donald Trump áp lên Trung Quốc sau khi nhậm chức.

Đứng trên lập trường là một đại diện thương mại của Mỹ và một luật sư thương mại kỳ cựu, ông Lighthizer cho biết tầm nhìn "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi mục tiêu trong chính sách thương mại của Mỹ "từ phục vụ các tập đoàn kinh doanh ở nước ngoài sang cố gắng thu hút nhiều các doanh nghiệp Mỹ hồi hương".

Đại diện Thương mại Mỹ khuyên ông Biden tiếp tục áp thuế kìm Trung Quốc - 2

Vào hồi tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc. Ảnh: Getty

Theo SCMP, các chiến dịch thuế quan của ông Trump không làm thay đổi đáng kể mức thâm hụt thương mại của Mỹ đối với hàng hóa và dịch vụ, cũng như tạo thêm nhiều việc làm trong các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp.

Trên thực tế, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn phải chứng kiến làn sóng thất nghiệp không tưởng.

Tuy nhiên, ông Lighthizer cho rằng, những nỗ lực của ông Trump ít nhiều đã "thay đổi suy nghĩ của mọi người về Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế", khiến cho các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Kể từ lần đầu tiên được bổ nhiệm làm quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ của chính quyền Trump, ông Lighthizer đã cho rằng cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần phải chịu trách nhiệm vì đã không kiềm chế được sự lạm dụng thương mại và hành vi trợ cấp tràn lan cho các công ty nhà nước của Trung Quốc.

Ông Lighthizer cũng cho biết Mỹ và châu Âu nên đồng ý hợp tác để chống lại bất kỳ khoản trợ cấp "có hại" nào trong tương lai mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng ngành công nghiệp máy bay thương mại của họ.

Cho biết thêm về việc giải quyết tranh chấp kéo dài 16 năm giữa Washington và Brussels về khoản viện trợ của chính phủ trong quá khứ cho các nhà sản xuất máy bay, ông Lighthizer bày tỏ sự thất vọng rằng các quy định hiện tại của WTO sẽ không ngăn cản các khoản trợ cấp trong tương lai của Liên minh châu Âu hoặc Trung Quốc.

Hương Vũ

Theo SCMP