Fica
  1. Quốc tế

Đại dịch Covid-19: Đến lượt Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chìm vào suy thoái

 Vũ Huy Hoàng
Vũ Huy Hoàng

Chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản đã giảm mạnh trong tháng 3 và hoạt động của ngành dịch vụ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4, đại dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chìm sâu vào suy thoái.

 

http://img.fica.vn/fica/images/2020/05/11/dai-dich-covid-19-den-luot-nhat-ban-nen-kinh-te-lon-thu-3-the-gioi-chim-vao-suy-thoai-0-20200511100646615.jpg

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Tokyo vào tháng 3. Ảnh: Reuters

Tiền lương làm thêm giờ - một khẩu hiệu đại diện cho sức mạnh hoạt động của các công ty Nhật Bản - cũng sụt giảm với tốc độ kỷ lục vào tháng 3.  Dấu hiệu trên cho thấy các công ty tại Nhật Bản đã phải chịu một cú đánh mạnh bởi sự sụt giảm trong kinh doanh ngay cả trước khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4.

Các bài báo liên tiếp nói về sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản gần như đã chắc một điều rằng: Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã phải chịu một sự suy thoái trầm trọng trong quý 1 đầu năm từ tháng 1 đến tháng 3 và hiện nó đang trên đà suy giảm sâu hơn trong quý hiện nay khi cuộc khủng hoảng sức khỏe khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp và các doanh  nghiệp đóng cửa.

Taro Saito, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu NLI cho biết: “Ngay cả khi không có virus, nền kinh tế Nhật Bản vẫn rất yếu do bị ảnh hưởng từ đợt tăng thuế doanh thu năm ngoái. Đại dịch Covid-19 đã phá hủy hoàn toàn mọi cơ hội phục hồi của Nhật Bản.”

Saito dự đoán tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 30% hàng năm trong quý hiện tại, ông nói rằng: “Nền kinh tế có thể hồi phục phần nào trong tháng 7 đến tháng 9 nhưng sẽ không thể phục hồi lại như mức trước khi xảy ra đại dịch trong năm nay.”

Dữ liệu của chính phủ cho thấy vào hôm thứ 6 rằng, chi tiêu hộ gia đình đã giảm 6,0% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 5 năm.

Sự suy giảm trên nhỏ hơn so với dự báo thị trường ( ở mức 6,7% ), phần lớn có sự suy giảm này là do nhu cầu đi lại, mua sắm quần áo và ăn uống giảm sút khi chính phủ yêu cầu người dân kiềm chế việc đi ra ngoài và một số doanh nghiệp phải đóng cửa.

Tuy nhiên, có một số công ty lại có doanh thu cao trong mùa dịch do kinh doanh dịch vụ cung cấp đồ ăn cho những người làm việc tại nhà.

Chi tiêu cho mì ống đã tăng 44% khi mọi người nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn, và người dân cũng mua các máy chơi game nhiều hơn gấp đôi để giải trí khi các trường học đóng cửa, học sinh và trẻ em phải ở nhà. Tuy nhiên, những sự gia tăng đó không đủ để bù đắp cho nhu cầu giảm mạnh đối với các mặt hàng khác.

Những sự sụt giảm trên có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới GDP của Nhật Bản trong quý đầu tiên. Các nhà phân tích của Reuters dự kiến tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 4,6% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Nhiều nhà phân tích dự đoán nền kinh tế nước này sẽ giảm ít nhất 20% trong quý hiện tại, gây áp lực lên chính phủ để đưa ra gói kích thích 1,1 nghìn tỷ USD khổng lồ nhằm bù đắp sự thiệt hại kinh tế bị gây ra bởi đại dịch.

Với tình trạng người bị nhiễm virus corona ở Nhật Bản vượt quá 15.000, vào tuần trước chính phủ đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến hết tháng, gây áp lực buộc các công ty phải đóng cửa các nhà máy và cửa hàng lâu hơn dự kiến.

Các dữ liệu khác đã vẽ lên một bức tranh ảm đạm tương tự về triển vọng nền kinh tế Nhật Bản.

Một cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy ngành dịch vụ tại Nhật Bản đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong tháng 4.

Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm lần đầu tiên vào tháng 3 trong vòng ba tháng do mức tiền lương làm thêm giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức sụt giảm nhanh kỷ lục trong các năm qua.

Tom Learmouth, một nhà kinh tế tại Capital Economics dự đoán rằng thị trường việc làm của Nhật Bản sẽ lao dốc trong những tháng tới và thu nhập của các nhà bán lẻ trên thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tom cũng nhận định thêm rằng: “Nhìn vào tình hình phía trước, các chỉ số hàng đầu đều đang hướng tới sự gia tăng đột biến trong tỷ lệ thất nghiệp – chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ tăng lên mức 4,2% vào cuối năm nay. Lợi nhuận của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị tụt giảm, do đó tổng tiền lương trả cho người lao động cũng bị kéo xuống mức thấp hơn nữa.”

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện tại đang ở mức 2,5% trong tháng 3.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã tác động thực sự sâu rộng đến những quốc gia hùng mạnh trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và giờ đây là tới Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 trên toàn cầu.

Thùy Dung

Theo Japantoday