Thành phố khoa học và công nghệ vịnh Yazhou trên đảo Hải Nam. Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc có kế hoạch biến hòn đảo thành một cảng thương mại tự do có thể bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu. Ảnh: Tân Hoa
Trên thế giới đã có rải rác các đặc khu tinh tế thương mại tự do nhưng lại có rất ít những khu nằm trên quy mô lớn như đảo Hải Nam, hòn đảo đông dân nhất Trung Quốc, có diện tích chỉ nhỏ hơn Đài Loan một chút và là nhà của hơn 9 triệu người.
Nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm tái tạo hòn đảo nhiệt đới “buồn ngủ” này như một cảng thương mại tự do khổng lồ đã khiến nhiều người cho rằng họ đang cố gắng biến nơi đây thay thế Hồng Kông để giao dịch với các công ty đa quốc gia đang cố gắng khai thác cơ sở sản xuất hoặc thị trường tiêu dùng.
Là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo những điều khoản riêng của mình, Hồng Kông có các chế độ và chính sách thương mại và hải quan độc lập so với các chính sách được thiết lập tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, Hải Nam thì không, và một số chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng liệu việc thiết lập một chế độ hải quan lớn riêng biệt ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc có bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu hay không.
Hải Nam sẽ cung cấp miễn thuế đối với hầu hết các sản phẩm hàng hóa, thuế thu nhập thấp hơn các nơi khác và các yêu cầu thị thực khá thoải mái cho khách du lịch và chuyên gia nước ngoài, đặc biệt hơn, nó sẽ cho phép hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc được miễn thuế với điều kiện 30% giá trị của chúng phải được thêm vào tổng sản phẩm của đảo Hải Nam.
Mọi người đều cho rằng kiểm soát hải quan giữa Hải Nam và Trung Quốc đại lục sẽ được thành lập vào năm 2025, với bản thiết kế Hải Nam đầy đủ sẽ được triển khai trong vòng 10 năm sau đó.
Các chuyên gia thương mại và hải quan lo ngại rằng quy mô của Hải Nam, cùng với thực tế là các công ty được phép mở nhà máy ở đó có thể có quyền xâm nhập vào thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn vì họ có nhiều đặc quyền ưu đãi, điều này sẽ không phù hợp với quy tắc cạnh trên trên thị trường.
Zhao Khang Jiang, một chuyên gia về hải quan Trung Quốc và đối tác quản lý của GSC Potomac cho biết: “Mặc dù WTO không có quy định chính xác về các khu vực thương mại tự do, nhưng kế hoạch chi tiết vềHải Nam không phù hợp với tinh thần và nguyên tắc của WTO. Theo WTO, các quy tắc pháp lý thương mại và hải quan sẽ được quản lý và áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ hải quan.”
Ông Jiang nói thêm: “Cảng thương mại tự do Hải Nam sẽ quay trở lại chương trình đặc khu kinh tế ban đầu, với các ưu đãi về thuế và thương mại ưu đãi hơn nữa.”
Tiếp theo, ông Jiang đã đề cập đến các bước mà Trung Quốc đã thực hiện như là một phần trong đơn xin WTO để hài hòa các chế độ thuế quan và hải quan cho cả nước, bao gồm đưa kế hoạch thuế quan riêng cho Tây Tạng vào hệ thống hải quan Trung ương.
Vấn đề ta cần chú ý ở đây là quy mô to lớn của khu vực thương mại tự do Hải Nam.
Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, đã có 5.383 khu thương mại tự do trên toàn thế giới vào năm 2019, gần một nửa trong số đó là ở Trung Quốc. Nhưng đây thường là những khu vực nhỏ, là nhà của các khu công nghiệp, hàng không và cảng biển, hoặc các nhà máy và cơ sở sản xuất hoàn thiện, như các đặc khu kinh tế quanh Trung Quốc được thiết kế chủ yếu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trên toàn cầu, hầu hết các khu vực thương mại tự do được thiết lập là khu vực trung chuyển hoặc khu vực kho ngoại quan, nơi hàng hóa có thể được hoàn thành hoặc lưu trữ thuế hoặc miễn thuế trước khi được chuyển đến địa điểm cuối cùng.
Henry Gao, giáo sư luật thương mại tại Đại học Quản lý Singapore, người đã tư vấn cho chính quyền tỉnh Hải Nam về kế hoạch cho khu vực thương mại tự do vào năm ngoái đã nói rằng: “Tôi có một số nghi ngờ về tính nhất quán của Hải Nam trong các quy tắc của WTO. Chẳng hạn như đặc khu kinh tế Thượng Hải rất nhỏ so với Hải Nam. Với quy mô lớn như Hải Nam, điều này có thể gây ra nhiều mối quan tâm.”
Ông Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại tại Đại học Hồng Kông nói rằng: “Vấn đề thực sự xảy ra khi hàng hóa đi vào thị trường nội địa sẽ được miễn thuế. Như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường.”
Deborah Elms, giám đốc điều hành tại Trung tâm tư vấn thương mại châu Á cho biết: “Thực sự không có nhiều các khu vực thương mại tự do như Hải Nam. Khi đặc khu kinh tế như Hải Nam mới được tạo ra, những thách thức kinh tế liên quan đến chúng có vẻ tương đối nhỏ.
Nhưng nếu chúng sinh sôi nảy nở, sẽ càng có nhiều sự cạnh tranh không công bằng. Và trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu đang bùng nổ như hiện nay, sẽ có những mối lo ngại lớn hơn gia tăng. Khi mọi người suy nghĩ về Hải Nam, chắc chắn họ sẽ phản đối rất nhiều.”
Thùy Dung
Theo SCMP