Dẫn 7 nguồn thạo tin về vấn đề này, Reuters cho hay, Công ty xăng dầu China Concord Petroleum (hay còn gọi là CCPC) đang trở thành đầu mối trung tâm trong hoạt động vận chuyển và mua bán dầu thô bị trừng phạt của Iran và Venezuela ra bên ngoài.
CCPC là đầu mối trung tâm trong hoạt động mua bán dầu mỏ của Iran và Venezuela (Ảnh: Reuters).
Nguồn tin của Reuters bao gồm một nguồn tin ở Trung Quốc quen thuộc với hoạt động của CCPC, các quan chức Iran và một nguồn tin tại công ty dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela.
Theo các nhà phân tích, vai trò của CCPC ngày càng nổi bật và mở rộng sang hoạt động giao thương với Venezuela. CCPC đã tham gia vào hoạt động mua bán dầu mỏ của Venezuela trong năm nay thông qua các giao dịch với các nhà máy lọc dầu nhỏ độc lập ở Trung Quốc.
Thông tin này được Reuters kiểm chứng dựa theo lịch bốc hàng hàng tháng, lịch trình xuất khẩu và hóa đơn từ tháng 4 và tháng 5 của PDVSA cũng như dữ liệu theo dõi tàu chở dầu và nguồn tin của PDVSA.
CCPC - đăng ký kinh doanh tại Hồng Kông - đã nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng của Caracas. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, các tàu thuê của công ty này đã chở 20% tổng lượng dầu xuất khẩu của Venezuela trong thời điểm đó, với giá trị tương đương 445 triệu USD, theo tài liệu PDVSA. Tuy nhiên, trong tháng 6, CCPC không thuê bất kỳ tàu nào để chở dầu của Venezuela.
Nhiều nhà máy lọc dầu trên toàn cầu, bao gồm các nhà máy lọc quốc doanh Trung Quốc, đã ngừng mua dầu thô từ Iran và Venezuela sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt, cắt giảm hàng triệu thùng dầu mỗi ngày từ xuất khẩu và hàng tỷ USD nguồn thu từ dầu mỏ của 2 nước này.
Phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ để điều hành đất nước, Tehran và Caracas kể từ đó đã sử dụng nhiều chiêu thức để tiếp tục xuất khẩu dầu thô ra ngoài như chuyển tàu sang tàu, công ty vỏ bọc và các trung gian bên ngoài…
Hai nguồn tin của Reuters cho biết, trong năm qua, CCPC đã mua ít nhất 14 tàu chở dầu để vận chuyển dầu từ Iran hoặc Venezuela về Trung Quốc.
Tuy nhiên, PDVSA và Bộ dầu mỏ Venezuela đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, trong khi Bộ dầu mỏ Iran cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi về vai trò của các công ty Trung Quốc trong việc buôn bán dầu bị trừng phạt, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc vẫn duy trì các giao dịch bình thường, hợp pháp với Iran và Venezuela trong khuôn khổ luật pháp quốc tế đáng được tôn trọng và bảo vệ".
Thông thường, Mỹ không bắt giữ các lô hàng dầu của Iran và Venezuela do Trung Quốc hay các khách hàng quốc tế mua, nhưng sẽ gây khó khăn bằng cách cấm công dân và doanh nghiệp Mỹ làm ăn với họ.
Năm 2019, Mỹ đã liệt CCPC vào danh sách các thực thể bị trừng phạt vì vi phạm lệnh cấm xử lý và giao dịch dầu của Iran.
Các quan chức Iran am hiểu vấn đề này cũng khẳng định CCPC là nhân tố trung tâm trong hoạt động mua bán dầu mỏ của Tehran với Trung Quốc.
Theo hãng nghiên cứu Refinitiv Oil Research, từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã mua trung bình 557.000 thùng dầu/ngày từ Iran, chiếm khoảng 5% tổng lượng nhập khẩu của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này.
Nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu từ Venezuela của Trung Quốc trong năm qua (tính đến cuối tháng 4) cũng đạt trung bình 324.000 thùng/ngày, theo chuyên gia theo dõi hàng hóa Vortexa Analytics. Mức này tuy thấp hơn so với mức giao dịch trước khi có lệnh trừng phạt song vẫn chiếm hơn 60% tổng lượng xuất khẩu dầu của Venezuela.
Nhật Linh
Theo Reuters