Hãng dược Shionogi của Nhật Bản đang thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và hy vọng thuốc có thể được cấp phép trong năm nay (Ảnh: Nikkei).
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn thạo tin ngày 6/8 cho biết, hãng dược Shionogi có trụ sở tại Osaka có kế hoạch xin giới chức năng Nhật Bản phê duyệt loại thuốc uống kháng virus của hãng trước cuối năm nay.
Đây là loại thuốc được thử nghiệm lâm sàng từ tháng 7. Shionogi dự kiến xin Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép khẩn cấp, nghĩa là không yêu cầu phải hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng trước khi cung ứng ra thị trường, chỉ cần hãng vẫn đảm bảo tiến hành đầy đủ các thử nghiệm về sau - dự kiến kéo dài sang năm 2022.
Shionogi hy vọng loại thuốc này có thể dùng cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và cũng nhằm giảm sức ép cho hệ thống bệnh viện.
Isao Teshirogi, giám đốc điều hành của Shionogi, cho hay thuốc Covid-19 của Shionogi được bào chế để vô hiệu hóa virus trong 5 ngày kể từ khi bệnh nhân uống thuốc. Theo ông, phân tích ban đầu cho thấy virus không dễ dàng đột biến để tránh tác dụng của thuốc do Shionogi bào chế.
Mặc dù đang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, nhưng Shionogi hy vọng có thể cung ứng đủ thuốc cho 1-2 triệu bệnh nhân Covid-19 vào cuối năm nay.
Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là thuốc uống đầu tiên dành cho các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ ở Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản mới chỉ sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và chỉ tiêm tại các bệnh viện.
Ngoài ra, Shionogi cũng cân nhắc xuất khẩu loại thuốc uống trên ra nước ngoài và họ đang thảo luận vấn đề này với Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Tiên tiến Y sinh học của Mỹ.
Trước đó, Thời báo Phố Wall dẫn nguồn tin của Shionogi cho biết, với liều lượng chỉ một liều mỗi ngày, thuốc điều trị Covid-19 của công ty này sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng.
Shionogi đi sau hãng dược Pfizer (Mỹ) và Merck (Đức) nhiều tháng trong việc thử nghiệm giai đoạn sau của thuốc điều trị Covid-19. Pfizer cho biết thuốc uống 2 lần mỗi ngày của hãng có thể sẵn sàng tung ra thị trường ngay trong năm nay. Pfizer cũng đang chuẩn bị cho hơn 2.000 bệnh nhân tham gia thử nghiệm thuốc kháng virus kết hợp với thuốc kháng virus tăng cường.
Cùng với việc phát triển vắc xin, các hãng dược trên thế giới đang chạy đua phát triển thuốc điều trị Covid-19 nhằm đa dạng các biện pháp trong cuộc chiến ứng phó với Covid-19. Hiện nay, sự phân bổ vắc xin ngừa Covid-19 trên thế giới vẫn rất chênh lệch. Trong khi nhiều nước thu nhập cao đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% đến 90% dân số, tỷ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn còn hạn chế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục kêu gọi các nước giàu chia sẻ nguồn cung, tạm hoãn kế hoạch tiêm mũi vắc xin thứ 3 tăng cường để các nước thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nguồn cung vắc xin còn hạn hẹp hiện nay.
Minh Phương
Theo Kyodo News