Công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ văn phòng WeWork nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án liên bang New Jersey vào ngày 6/11. Trong đơn, công ty tiết lộ nhiều khoản vay có giá trị từ 10 tỷ tới 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, hoạt động bảo hộ sẽ chỉ áp dụng đối với các chi nhánh của doanh nghiệp này tại Mỹ và Canada, theo thông cáo báo chí được phát đi sau đó.
WeWork từng là cái tên start-up nổi đình, nổi đám một thời |
“Tôi thực sự cảm kích trước sự ủng hộ của các đối tác tài chính trong quá trình xây dựng mô hình cấu trúc vốn và hiện thực hóa quá trình này bằng Thỏa thuận Hỗ trợ Tái cấu trúc”, CEO WeWork David Tolley, chia sẻ. “Chúng tôi luôn giữ vững cam kết đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ và đội ngũ nhân sự nhằm hỗ trợ tốt nhất cộng đồng khách hàng”, ông nói.
Đây là một trong những phi vụ phá sản lớn nhất trong vài năm trở lại đây tại Mỹ. Từng được định giá 47 tỷ USD vào năm 2019 trong vòng gọi vốn dẫn đầu bởi Ngân hàng SoftBank của Tỷ phú Masayoshi Son, thương vụ IPO của WeWork lại không thể diễn ra như mong muốn khiến cho hoạt động của công ty liên tục đi xuống từ đó.
Nổi bật nhất, đại dịch Covid-19 khiến khó khăn đó lên tới đỉnh điểm khi nhiều doanh nghiệp khách hàng rút khỏi thị trường trong khi phong trào làm việc tại nhà “lên ngôi”.
Năm 2021, WeWork nỗ lực “lên sàn” một lần nữa thông qua hình thức thâu tóm SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu của WeWork đã mất khoảng 98% giá trị.
Cựu CEO kiêm người sáng lập WeWork Adam Neumann gọi quyết định xin bảo hộ phá sản là điều “đáng thất vọng”.
“Thật khó khăn cho tôi khi không thể đóng góp nhiều cho công ty kể từ năm 2019. Nhưng tôi tin, với chiến lược đúng đắn cùng đội ngũ nhân sự chất lượng, quá trình tái cấu trúc sẽ một lần nữa giúp WeWork vươn mình”, ông chia sẻ với CNBC.
Đại Phú