Năm 28 tuổi, Hayley Tillotson, sống ở Leeds, Anh sở hữu căn hộ của riêng mình. Tháng 4/2019, Hayley nhận nhà, đó là khoảnh khắc đáng tự hào. Để có được căn nhà, cô gái này đã phải dành dụm trong vòng 4 năm từ khoản lương làm Giám đốc PR và Marketing tại một công ty.
Bố Hayley là thợ điện đã nghỉ hưu còn mẹ là trợ lý hành chính, cô không có gia đình giàu có hậu thuẫn nên tự tiết kiệm tiền để mua căn hộ với giá 102.000 bảng Anh thông qua chương trình nhà ở giá rẻ.
Theo cam kết khi mua nhà thông qua chương trình này, Hayley không được phép cho thuê hoặc bán căn hộ cho người khác bằng hình thức thanh toán tiền mặt. Tuy nhiên, điều này dường như không thành vấn đề vào thời điểm đó.
Sáu tháng sau khi chuyển đến, Hayley Tillotson nhận được một lá thư từ Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ Tây Yorkshire cho biết, mái nhà phủ một lớp ốp nguy hiểm tương tự như vật liệu dùng ở tòa chung cư Grenfell Tower - nơi từng xảy ra một vụ cháy kinh hoàng hồi năm 2017. Kiểm tra thêm còn phát hiện các vấn đề ở lớp gạch phía ngoài, vật liệu cách nhiệt dễ cháy, ban công bằng gỗ có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Khi nhận được thư, cô gái trẻ vừa mới mua một tủ lạnh và sofa mới. Hayley nghĩ sẽ ở trung tâm thành phố vào cuối tuần, thưởng thức ly cocktail, nhưng thay vào đó cô khóc trong căn hộ, cố gắng tìm hiểu về vấn đề hỏa hoạn.
Vì tòa nhà không an toàn, ban quản lý đã thuê một người tuần tra 24/24 để phòng cháy nổ. Cư dân phải trả tiền cho việc này, mặc dù đó không phải là lỗi của các cư dân.
Hayley Tillotson cảm giác bị mắc bẫy vì không thể tiếp tục trả các khoản phụ phí cao ngất khi sống tại chung cư do cô mua từ tiền tiết kiệm.
Chi phí cho dịch vụ tuần tra 300 bảng/tháng, tương đương khoản thế chấp và cô gái trẻ không có tiền trả. Với chương trình nhà ở giá rẻ, người mua như Hayley không được phép cho thuê căn hộ rồi chuyển về nhà sống với bố mẹ, chỉ được phép bán cho một người mua khác cùng chương trình này. Tuy nhiên, Hayley tự hỏi liệu ai có thu nhập thấp sẽ mua căn hộ với các khoản phụ phí cao ngất trời?
"Tôi đã bị mắc bẫy... Sức khỏe tinh thần suy giảm mạnh", cô gái trẻ than thở.
Hayley phàn nàn: "Tôi phải trả 1400 bảng Anh cho hệ thống báo cháy mới và các hóa đơn khác. Tôi có trách nhiệm trả tiền để sửa chữa mà không phải công ty đã xây dựng tòa nhà hay chính quyền đã phê duyệt dù nó không an toàn".
Trước tình cảnh đó, Hayley đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh bị vỡ nợ, tài khoản ngân hàng cạn kiệt đến từng xu.
"Tôi cố tỏ ra lạc quan, tự nhủ rằng sẽ sớm nhận được tiền từ quỹ của chính quyền. Nhưng tôi không đủ khả năng tiếp tục trả các khoản thanh toán hàng tháng. Tôi đã hết tiền và thời gian. Tháng trước, tôi tuyên bố vỡ nợ", cô gái trẻ chua chát kể.
Ngày 17/12/2020, Hayley đã bàn giao lại chìa khóa căn hộ.
Hayley Tillotson đứng trước tòa chung cư có lớp ốp trên mái không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
"Tôi sợ vỡ nợ đồng nghĩa với việc không bao giờ có thể độc lập về tài chính. Tôi không thể có một tài khoản ngân hàng bình thường và đang phải vật lộn để vay tiền mua ô tô. Thêm vào đó, tôi phải trả khoản tiền để được tuyên bố vỡ nợ là 6000 bảng cho dịch vụ này của chính phủ, phí quản lý 1900 bảng và phí đăng ký 680 bảng. Tôi vay của bố", Hayley trải lòng.
Câu chuyện như Hayley không phải là hiếm, ước tính có 700.000 người đang sống trong những căn hộ có tấm ốp dễ cháy và nhiều người trong số họ phải tự trả tiền sửa chữa mà không có tài trợ từ cơ quan chức năng.
Hayley nói trong nỗi buồn: "Căn hộ mơ ước đã hủy hoại cuộc đời tôi. Nó khiến cho quãng thời gian tiết kiệm tiền ở những năm tuổi 20 của tôi hoàn toàn vô nghĩa. Tương lai có vẻ ảm đạm…".
Phương Hà
Theo The Guardian