Vốn hóa hai thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong “bốc hơi” 4.800 tỷ USD trong vòng ba năm qua, theo kết quả thống kê của Ngân hàng HSBC. Con số trên thậm chí còn lớn hơn vốn hóa của thị trường chứng khoán Ấn Độ, vốn nổi lên là một ngôi sao sáng thời gian gần đây.
Trong tháng 1/2024, Sàn chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) đã vượt qua Sàn chứng khoán Hong Kong để trở thành sàn giao dịch lớn thứ tư toàn cầu, theo dữ liệu từ Hiệp hội các sàn giao dịch thế giới. Với vốn hóa lên tới 4.630 tỷ USD, thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện đứng thứ ba tại lục địa vàng.
Thành quả trên là “trái ngọt” của một quá trình tăng điểm mạnh mẽ của chứng khoán Ấn Độ trong vài năm trở lại đây, trái ngược với những gì đang diễn ra tại Trung Quốc và Hong Kong.
Chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc bị rút vốn mạnh |
Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã “đi lùi” trong ba năm liên tiếp với mức giảm 11,4% trong năm 2023. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong còn gây thất vọng hơn khi giảm liên tiếp trong bốn năm liên tiếp. Trong năm gần nhất, chỉ số này mất tới 13,8%. Hai thị trường chứng khoán nói trên thuộc nhóm giảm mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương hồi năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc chính là nguồn cơ quan ngại đối với nhà đầu tư. Và tác động của nó còn lan rộng tới thị trường Hong Kong vì nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn của nền kinh tế số hai thế giới, bao gồm Evergrande Group và Country Garden, đều niêm yết tại đây.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024 nhưng không ít chuyên gia lo ngại quốc gia này không thể hiện thực hóa được điều đó. Hồi tuần trước, S&P Global dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 4,6% năm nay, thấp hơn mức tăng 5,2% một năm trước đó.
“Dự báo của chúng tôi tiếp tục phản ánh những khó khăn trên lĩnh vực bất động sản trong khi các chính sách hỗ trợ không phát huy tối đa hiệu quả. Rủi ro giảm phát vẫn còn đó khi tiêu dùng không sớm được cải thiện. Chính phủ Trung Quốc lại đang tập trung hỗ trợ nền kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng”, Louis Kuijs, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, chia sẻ.
Cựu CEO Sàn chứng khoán Hong Kong Nicolas Aguzin chia sẻ với CNBC hồi tháng 3 rằng sự thiếu niềm tin vào kinh tế Trung Quốc, môi trường lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố tác động tiêu cực tới định giá doanh nghiệp cũng như số lượng doanh nghiệp chào sản tại đây.
Trong khi đó, Ấn Độ lại nổi lên như một điểm sáng kinh tế mới. Chỉ số Nifty 50 của nước này đã tăng năm thứ 8 liên tiếp với khoảng 20% trong năm 2023.
Theo nghiên cứu của HSBC, vốn hóa của Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ thậm chí còn vượt Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải để trở thành sàn có khối lượng giao dịch hàng tháng lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, NSE vẫn chưa thể vượt mặt Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
Các sàn giao dịch chứng khoán tại Ấn Độ còn ghi nhận lượng công ty niêm yết mới cao nhất lịch sử trong năm 2023, theo dữ liệu từ công ty kiểm toán EY India. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á. Năm vừa qua, có 220 doanh nghiệp “chào sàn” tại quốc gia đông dân nhất thế giới với vốn hóa ban đầu lên tới 6,9 tỷ USD, cao hơn 48% so với năm 2022.
“Trong khi Trung Quốc đi chậm lại thì Ấn Độ lại ‘chạy’ quá nhanh”, George Chan, Giám đốc IPO toàn cầu tại EY, nhận định.
Năm 2019, Ấn Độ chỉ chiếm 6% trong tổng số các thương vụ IPO trên toàn cầu. Nhưng con số này đã tăng lên 27% trong quý đầu tiên của năm 2024, biến đây trở thành thị trường dẫn đầu thế giới, Chan chia sẻ.
Ngược lại, chỉ có 30 thương vụ IPO được thực hiện trên thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc trong cùng giai đoạn, với vốn hóa 3,4 tỷ USD. Đây là con số thấp nhất trong bốn năm trở lại đây. Còn tại Hong Kong, số thương vụ IPO dừng lại ở con số 10 với chỉ hai thương vụ có vốn hóa vượt ngưỡng 100 triệu USD. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2010.
Đại Phú