Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/1), sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở nước này tiếp tục dịu đi. Lạc quan về tình hình lạm phát ở Mỹ cũng là một nhân tố đưa giá dầu đi lên, bên cạnh đà trượt giá của đồng USD và những tia hy vọng về kinh tế Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 216,96 điểm, tương đương tăng 0,64%, đạt 34.189,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,34%, đạt 3.983,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,64%, đạt 11.001,1 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của Nasdaq đầu tiên kể từ tháng 7, đồng thời là phiên tăng thứ ba liên tiếp của Dow Jones và S&P 500.
Sắc xanh phủ khắp các bảng điện tử chứng khoán Mỹ sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (Ảnh: Reuters). |
Sắc xanh phủ khắp các bảng điện tử chứng khoán Mỹ sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy giá cả ở nước này trong tháng 12 giảm 0,1% so với tháng trước, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong hơn 2 năm rưỡi.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI vẫn tăng 6,5%, nhưng cũng đã giảm nhiều so với mức tăng 7,1% ghi nhận trong tháng 11, theo đó làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm tốc độ tăng lãi suất và có thể sớm dừng việc tăng lãi suất. Thị trường đang nghiêng nhiều về khả năng Fed chỉ tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào ngày ½.
Với phiên tăng này, chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất một tuần đi lên. Nasdaq và S&P 500 có vẻ sẽ có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11. Nasdaq hiện đã tăng 4,09% từ đầu tuần. S&P 500 tăng 2,26% và Dow Jones tăng 1,66%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm tăng điểm phiên này, dẫn đầu là cổ phiếu năng lượng – nhóm xuất sắc nhất năm 2022. Nhóm tiêu dùng thiết yếu đuối sức, chốt phiên với mức giảm 0,79%.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 ở Phố Wall sẽ chính thức bắt đầu vào ngày thứ Sáu này, với báo cáo từ 4 ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citigroup và Bank of America. Các con số từ loạt báo cáo này được kỳ vọng sẽ cung cấp một cái nhìn rõ nét hơn về sức khoẻ nền kinh tế và thiết lập xu hướng cho mùa báo cáo tài chính này.
“Các nhà phân tích đang tranh cãi về triển vọng suy thoái kinh tế và độ sâu của một cuộc suy thoái kinh tế nếu có. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn và triển vọng mà họ đưa ra sẽ làm sáng tỏ về việc doanh nghiệp và người tiêu dùng đang chống chọi như thế nào với các áp lực kinh tế”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.
Chứng khoán châu Âu và toàn cầu cũng tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm, hưởng lợi từ sự lạc quan trên thị trường Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu tăng 0,63%, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 4. Chỉ số MSCI All Country World Index của thế giới tăng 0,8%, đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ tháng 8.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,36 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 84,03 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,98 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 78,39 USD/thùng.
Ngoài tâm lý phấn khởi của nhà đầu tư khi chứng kiến CPI của Mỹ giảm, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi xu hướng tụt giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng vì thị trường kỳ vọng Fed sẽ trở nên mềm mỏng hơn khi lạm phát xuống thang.
Trước đó, giá dầu đã tăng 3% trong phiên ngày thứ Tư, khi nhà đầu tư hy vọng triển vọng kinh tế toàn cầu có thể không u ám như suy nghĩ của nhiều người.
“Một cuộc hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ, và có lẽ là của nhiều nền kinh tế khác nữa, cộng thêm sự khởi sắc kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc sau làn sóng Covid hiện nay có thể mang tới một năm tốt đẹp hơn so với nỗi lo sợ của nhiều người, và sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ dầu”, chuyên gia Craig Erlam của Oanda nhận định với hãng tin Reuters.
Thị trường cũng đang tính đến khả năng nguồn cung dầu từ Nga bị siết chặt thêm do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào nước này liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nói rằng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm xăng dầu tinh luyện của Nga nhập khẩu bằng đường biển, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/2, sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga có hiệu lực từ tháng 12/2022.
Theo Bình Minh
VnEconomy