Chứng khoán Mỹ “chao đảo” với chỉ số Dow Jones sụt giảm phiên thứ 10 liên tiếp khi mà triển vọng chính sách lãi suất mà Fed sẽ thực hiện thời gian tới khiến nhà đầu tư lo lắng.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1.123,03 điểm, tương ứng với 2,58%, xuống 42.326,87 điểm. Chuỗi giảm 10 phiên liên tiếp mà chỉ số này vừa thiết lập là dài nhất kể từ năm 1974. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 8 và lần thứ hai trong năm mức giảm trên 1.100 điểm được ghi nhận.
Cùng chung diễn biến tiêu cực, chỉ số S&P 500 giảm 2,95% xuống còn 5.872,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite “lao dốc” 3,56% xuống 19.392,69 điểm.
Đúng như dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thống nhất hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống 4,25-4,5% trong kỳ họp cuối cùng của năm 2024. Tuy nhiên, cơ quan này ám chỉ khả năng sẽ chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025, ít hơn một nửa so với dự báo hồi tháng 9. Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, những bước cắt giảm lãi suất thời gian qua cho phép cơ quan này “thận trọng hơn” trong việc cân nhắc phương án điều chỉnh chính sách lãi suất thời gian tới.
“Chúng tôi đã đi rất nhanh để đến đây, và sẽ đi chậm lại trong tương lai”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau khi phiên họp khép lại.
Điều này trái ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ tiếp tục quyết liệt giảm lãi suất trong năm 2025. Với thông điệp mà Fed đưa ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bật tăng, qua đó gây ra tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4,5% trong phiên.
“Các loại hình tài sản rủi ro, trong đó có thị trường chứng khoán, vốn đang ‘bay cao’ thời gian qua không hề ưa thích ý định ‘đi chậm lại’ của Fed”, Jeffrey Gundlach, CEO DoubleLine, chia sẻ trong chương trình “Closing Bell” của đài CNBC.
“Thị trường không nhận được quà Giáng Sinh từ Fed. Các nhà hoạch định chính sách nhận thấy tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn trong khi lạm phát cao hơn trong năm nay. Chẳng có lý do nào để họ có thể ‘bồ câu’ (dovish) với triển vọng đó. Thậm chí, họ có thể dừng lại”, David Russell, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại TradeStation, đánh giá.
Với phiên giao dịch “dậy sóng” này, đà tăng của chỉ số S&P 500 từ đầu năm thu hẹp lại chỉ còn 23%. Phiên giao dịch 18/12 cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 8.
Còn đối Dow Jones, chỉ số này nối dài chuỗi giảm kể từ khi thành công vượt mốc 45.000 điểm hôm 4/12 vừa qua. Tổng mức giảm trong giai đoạn này của chỉ số đã lên tới 6%. Nguyên nhân đứng sau chuỗi giảm dài của Dow Jones bắt nguồn từ việc nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền từ nhóm cổ phiếu truyền thống sang nhóm cổ phiếu công nghệ, điểm nhất của thị trường trong năm nay.