Chỉ số S&P 500 nối dài đà giảm trong phiên giao dịch 16/4 sau khi chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết lãi suất tiếp tục cần phải neo cao.
Cụ thể, chỉ số này giảm 0,21% xuống 5.051,41 điểm trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,12% xuống 15.865,25 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 63,38 điểm, hay 0,17%, lên 37.798,97 điểm, qua đó khép lại chuỗi giảm lên tới 6 phiên liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones ngắt mạch giảm 6 phiên liên tiếp |
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giằng co sau khi ông Powell phát tín hiệu chính sách kinh tế cần tiếp tục được thắt chặt trước diễn biến khó lường của lạm phát.
“Một số dữ liệu gần đây phản ánh tốc độ tăng trưởng tốt cũng như sức mạnh của thị trường lao động đồng thời cho thấy ít tiến triển trong xu hướng suy yếu của lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%”, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Mỹ chia sẻ trong một phiên thảo luận.
Chính quan điểm có phần “diều hâu” trên của ông đã góp phần kéo tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ với lợi suất kỳ hạn 2 năm có thời điểm vượt ngưỡng 5%, qua đó gây áp lực lên thị trường chứng khoán.
Chỉ duy nhất chỉ số Dow Jones lội ngược dòng nhờ vào mức tăng hơn 5% của cổ phiếu UnitedHealth sau khi công ty công bố kết quả doanh thu tốt hơn dự báo trong quý I năm nay.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn giúp níu giữ đôi chút lạc quan nơi nhà đầu tư về mùa báo cáo tài chính quý I/2024. Hiện tại, có khoảng 10% doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính với tỷ lệ vượt dự báo lên tới gần 80%, theo dữ liệu từ FactSet.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng tại Trung Đông cũng có những ảnh hưởng nhất định tới diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số CBOE Volatility Index, thước đo sự sợ hãi trên thị trường, neo quanh ngưỡng 19 điểm sau khi bật tăng mạnh trong phiên giao dịch trước đó sau khi Iran tấn công Israel.
Đại Phú