Fica
  1. Quốc tế

Chứng khoán Mỹ thoái trào sau phiên lập đỉnh

Diễn biến xấu trong nhóm cổ phiếu chip bán dẫn gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 324,8 điểm, tương đương 0,75%, xuống 42.740,42 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,76% xuống còn 5.815,26 điểm. Ghi nhận mức giảm mạnh nhất, chỉ số Nasdaq Composite đi lùi 1,01% xuống 18.315,59 điểm. 

Chứng khoán Mỹ thoái trào sau phiên lập đỉnh - 1
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 15/10

Giá cổ phiếu nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn ASML giảm tới 16% sau khi công ty này cảnh báo về sự “thận trọng” từ phía khách hàng đồng thời cho biết “quá trình phục hồi có thể chậm hơn dự kiến”. Kết quả trên gây tác động tiêu cực lên toàn bộ cổ phiếu ngành chip với Nvidia mất 4,7% trong khi AMD giảm 5,2%. Chỉ số VanEck Semiconductor ETF (SMH) vì thế giảm 5,4%, mạnh nhất kể từ ngày 3/9. 

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của công ty bảo hiểm UnitedHealth cũng ghi nhận mức giảm mạnh tới 8,1% sau khi hạ triển vọng lợi nhuận năm nay. Kết quả này gây ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số Dow Jones. 

Tâm lý nhà đầu tư xuống sâu tới nỗi kết quả kinh doanh tốt của hai ngân hàng lớn Goldman Sachs và Bank of America cũng không thể giúp cải thiện tình hình. 

Hiện tại, khoảng 40/500 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý III với tỷ lệ vượt dự báo lên tới 80%, theo thống kê từ FactSet. 

Trước đó, phố Wall có một phiên giao dịch đầy hứng khởi với hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 thiết lập số điểm cao kỷ lục mới. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones bật tăng hơn 200 điểm để có lần đầu tiên chốt phiên vượt mốc 43.000 điểm. 

Dù diễn biến xấu trong phiên 15/10, các chỉ số vẫn giữ được mức tăng từ đầu tháng. Tuy nhiên, Terry Sandven, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết thị trường vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn. 

“Thật khó để thị trường bứt phá mạnh hơn nữa. Trên thực tế, thị trường đang rơi vào trạng thái mua giá cao, bán giá cao hơn với chỉ số S&P 500 liên tục phá đỉnh. Tới mức này, chúng ta hoàn toàn có thể phải đối diện với sự điều chỉnh”, ông nhận định. 

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III và những yếu tố kinh tế vĩ mô bổ trợ có thể giúp thị trường duy trì ngưỡng điểm số cao như hiện tại tới cuối năm nay. Sandven dự báo chỉ số S&P 500 có thể chạm ngưỡng 6.000 điểm khi năm 2024 khép lại, tức cao hơn khoảng 3% so với hiện tại. 

“Đối với nhà đầu tư cổ phiếu, đây là khoảng thời gian thăng hoa nhất nhưng nỗi lo cũng lớn nhất. Thị trường chứng khoán Mỹ tính tới thời điểm hiện tại đã tăng trưởng rất ấn tượng. Nhưng sự quan ngại cũng ngày một lớn khi định giá cổ phiếu lên quá cao trong khi bầu cử đang tới gần, xung đột địa chính trị diễn biến khó lường,...”, ông bổ sung.