Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên cuối tuần tăng 828,52 điểm, tương đương tăng 2,6%, lên mức 32,861,80 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng gần 2,5%, đóng cửa ở mức 3.901,06 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite kết thúc tuần với mức tăng 2,9%, đóng cửa ở mức 11.102,45 điểm.
Tính chung tuần, các chỉ số đều có mức tăng đáng kể. Đây cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của Dow Jones. Đây là chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ khi chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp kết thúc vào tháng 11/2021. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt tăng 3,9% và 2,2% trong tuần.
Trong tuần, thị trường cũng đã có sự phân hóa mạnh khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ sau khi các “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Alphabet và Meta báo cáo kết quả kinh doanh quý III đáng thất vọng và triển vọng suy yếu hơn.
Thay vào đó, giới đầu tư đang hướng đến những cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế vĩ mô vì kỳ vọng các cổ phiếu này sẽ được hưởng lợi nếu kinh tế Mỹ vượt qua suy thoái. Dữ liệu mới đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng dương trở lại sau 2 quý giảm liên tiếp, với GDP tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Dữ liệu này giúp nhà đầu tư có thêm hy vọng về lạm phát sắp tới sẽ giảm, củng cố thêm niềm lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm mức tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp vào tháng 11 tới.
Thị trường cũng được thúc đẩy sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi trong tháng 9 của Mỹ, một chỉ số ưa thích của Fed, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng 0,6%, cao hơn so với dự đoán.
Bà Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence, cho rằng dữ liệu lạm phát không xấu. Thu nhập của các doanh nghiệp tuy không lớn nhưng cũng không đến nỗi tệ. Điều này sẽ giúp ích cho thị trường chứng khoán.
Nhật Linh
Theo CNBC