Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng điểm trước thềm Cục Dự trữ liên bang (Fed) công bố quyết định chính sách tiền tệ quan trọng.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 123,91 điểm, tương đương 0,38%, lên 33.052,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65% lên 4.193,8 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng có thêm 0,48% lên 12.581,24 điểm.
S&P 500 nối dài đà tăng sang trong phiên giao dịch 31/10 |
Những phiên tăng điểm muộn màng không thể giúp các chỉ số đảo ngược đà giảm trong tháng vừa qua. Trong tháng 10, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 1,4% và 2,2%, đánh dấu chuỗi giảm ba tháng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 2,8%, nối dài đà giảm từ tháng 8.
Diễn biến giá cổ phiếu trong tháng vừa qua chịu áp lực lớn từ đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Có thời điểm, chỉ số trên vượt ngưỡng 5%, điều chưa từng xảy ra trong vòng 16 năm trở lại đây. Nhà đầu tư bán tháo trái phiếu bắt nguồn từ một số lý do, trong đó bao gồm quan ngại việc Fed có thể tiếp tục tăng hoặc ít nhất neo cao lãi suất trong một khoảng thời gian lâu hơn so với dự báo trước đó.
Cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ khép lại vào ngày 1/11. Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất lên tới 99%. Điều này giúp cho chỉ số Cboe Volatility Index (VIX) giảm xuống ngưỡng 18 điểm, thấp hơn mốc trung bình dài hạn 20 điểm. VIX giúp đo lường mức độ biến động trên thị trường, số điểm thấp đồng nghĩa với mức độ biến động giảm.
“Nếu như Fed phát đi tín hiệu họ đã làm xong công việc của năm 2023 đối với lãi suất, đó sẽ là một cú hích đối với thị trường”, Ross Mayfield, Chuyên gia chiến lược đầu tư tại Baird, nhận định. “Nhưng tôi cho rằng đà tăng trên thị trường chứng khoán sẽ hình thành rõ ràng hơn khi lãi suất được cắt giảm”, ông nói.
Trong quá khứ, thị trường chứng khoán thường diễn biến tích cực trong tháng 11, hình thành nên chu kỳ tăng vào cuối năm. Nhưng để đạt được điều đó, nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất trái phiếu chính phủ đã đạt đỉnh và ổn định trong thời gian tới.
Đại Phú