Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp khi nhà đầu tư rũ bỏ những quan ngại liên quan tới tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 9/10, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 431,53 điểm, tương đương 1,03%, lên 42.512 điểm, số điểm cao chưa từng có. Cùng chung diễn biến tích cực, chỉ số S&P 500 tăng 0,71% lên 5.792,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức tăng 0,6% lên 18.291,62 điểm.
Nhóm công nghệ là điểm sáng trong phiên với giá cổ phiếu của Amazon, Apple đều tăng trên 1%, Super Micro Computer tăng 4%. Tuy nhiên, Alphabet lại là điểm trừ hiếm hoi khi cổ phiếu này giảm 1,5% trước thông tin Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu chia tách doanh nghiệp.
Hai phiên giao dịch tích cực liên tiếp giúp xóa bỏ đi những biến động hồi đầu tháng, giúp các chỉ số tiến vào vùng tăng điểm trong tháng mới.
Tâm lý của nhà đầu tư còn được cải thiện nhờ vào nội dung biên bản cuộc họp giữa tháng 9 của Fed. Trong cuộc họp này, Ngân hàng trung ương Mỹ gây bất ngờ với quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành xuống còn 4,75-5%. Nội dung biên bản cuộc họp tiết lộ phương án giảm mạnh lãi suất này nhận được sự ủng hộ “của phần lớn các thành viên tham gia”, qua đó mở đường cho các lần giảm lãi suất tiếp theo.
Đà tăng trên thị trường được giữ vững bất chấp tình hình bất ổn địa chính trị với rủi ro xung đột lan rộng tại Trung Đông. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc "đỏ lửa" khi nhà đầu tư chốt lời từ giai đoạn tăng điểm mạnh gần đây nhờ vào các gói hỗ trợ từ chính phủ. Chỉ số chứng khoán Thâm Quyến ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1997 trong khi chỉ số iShares China Large-Cap ETF (FXI) đi thụt lùi hơn 1%.
Trước đó, chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận một phiên tăng điểm nhờ vào đà suy giảm của giá dầu. Diễn biến gần đây trên thị trường cho thấy nhà đầu tư đã phần nào lấy lại sự tự tin về khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế, đặc biệt sau khi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên cảnh giác khi tháng 10 thường là giai đoạn thị trường có sự biến động mạnh, đặc biệt trong các năm diễn ra bầu cử tổng thống.
Trong tuần này, nhà đầu tư chờ đợi thêm các dữ liệu kinh tế quan trọng như báo cáo lạm phát tiêu dùng và sản xuất công bố trong hai ngày 10/10 và 11/10. Mùa báo cáo tài chính quý III cũng được khởi động với các ngân hàng lớn bao gồm JPMorgan Chase và Wells Fargo trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần.