Fica
  1. Quốc tế

Chứng khoán Mỹ quay trở về cơ chế giao dịch T+1 sau 100 năm

Đại Phú
Đại Phú

Theo cơ quan chức năng, thay đổi này giúp hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính.

Cơ chế giao dịch từng được sử dụng cách đây đúng một thế kỷ chuẩn bị quay trở lại trên sàn chứng khoán Mỹ. 

Đó chính là lần cuối hoạt động giao dịch cổ phiếu tại New York được hoàn tất chỉ trong một ngày. Và điều đó sẽ được “hồi sinh” dưới quy định mới của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Thay đổi trên, giúp rút gọn một nửa thời gian hoàn thành mỗi giao dịch, cũng sẽ được áp dụng tại hai thị trường chứng khoán Canada và Mexico. 

Theo SEC, việc chuyển cơ chế giao dịch cổ phiếu từ T+2 sang T+1 giúp giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính. Cách đây khoảng 100 năm, cơ chế T+1 đã được áp dụng nhưng bị loại bỏ do khối lượng giao dịch gia tăng nhanh chóng. Chính vì lý do đó, quá trình chuyển đổi này vẫn mang theo tâm lý quan ngại, đặc biệt liên quan tới tốc độ dịch chuyển vốn của các quỹ đầu tư quốc tế, khả năng tìm nguồn USD đúng hạn của các nhà đầu tư quốc tế và khả năng sửa sai hạn chế của bất cứ ai tham gia thị trường. 

Nhưng đi cùng với đó là những kỳ vọng về khả năng vận hành một cách trơn tru của thị trường dù SEC trước đó đã cảnh báo về khả năng lỗi thanh toán tăng cao cũng như thách thức đối với một bộ phận nhỏ nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiệp hội Thị trường tài chính và Công nghiệp chứng khoán (SIFMA) đã phải thành lập Trung tâm chỉ huy T+1 nhằm phát hiện ra các vấn đề qua đó đề xuất phương hướng xử lý. 

Trước đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính đã có nhiều tháng chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, nguồn lực con người và quy trình làm việc, qua đó đạt được sự sẵn sàng nhất định trước thời điểm triển khai cơ chế mới. Nhưng vẫn còn đó những lo lắng về mức độ sẵn sàng trên toàn ngành. 

Cơ chế giao dịch T+1 được tái áp dụng sau một thế kỷ

Đây không phải lần đầu tiên phố Wall trải qua một quá trình chuyển đối như vậy. Nhưng theo một số chuyên gia, đây là giai đoạn thách thức nhất trong lịch sử. 

Kỷ nguyên T+1 được áp dụng trong thập niên 20 của thế kỷ trước khép lại khi năng lực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán không thể đáp ứng kịp hoạt động giao dịch ngày một sôi động. Thời gian thanh toán sau đó đã được kéo dài tới tận 5 ngày. Quãng thời gian trên được giảm xuống còn 3 ngày sau khi Ngày thứ Hai đen tối xảy ra vào năm 1987 trước khi rút bớt còn 2 ngày vào năm 2017. 

Lần tái áp dụng cơ chế T+1 này hoàn toàn khác biệt khi nói đến quy mô của thị trường ở thời điểm hiện tại, mức độ phức tạp của hoạt động đầu tư xuyên biên giới và thực tế Mỹ vượt trội hơn nhiều thị trường khác trên thế giới. 

Quan trọng nhất, hoạt động giao dịch ngoại hối thường được hoàn tất sau hai ngày, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư quốc tế muốn thực hiện giao dịch chứng khoán tại Mỹ cần phải xoay sở nguồn tiền USD nhanh hơn. Với cơ chế giao dịch mới, họ có thể chỉ có vài tiếng đồng hồ để tìm đủ nguồn tiền ngay trong giai đoạn thấp điểm thanh khoản. 

Ngay trong ngày đầu tiên vận hành, hệ thống T+1 sẽ đối mặt với hai thách thức lớn: Đầu tiên, ngày giao dịch 28/5 là thời điểm đáo hạn thanh toán cho các giao dịch thực hiện trong ngày và phiên giao dịch trước đó. Sau đó, MSCI sẽ tái cân bằng lại chỉ số vào cuối tuần, thời điểm các quỹ đầu tư toàn cầu mô phỏng chỉ số này tái cấu trúc danh mục đầu tư. 

“Chúng tôi sẵn sàng cho những thách thức sắp tới”, Christos Ekonomidis, Giám đốc chương trình T+1 tại BNY Mellon. “Chúng tôi biết quá trình chuyển giao sẽ vấp phải một số vấn đề nhất định và đã chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để giải quyết một cách nhanh chóng”, ông bổ sung. 

Đại Phú