Chỉ số Nasdaq Composite khép lại chuỗi giảm điểm 5 phiên liên tiếp nhưng mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần không thể giúp chỉ số này thoát khỏi “sắc đỏ” trong cả tuần qua.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 5/1, chỉ số Nasdaq tăng 0,09% lên 14.542,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,18% lên 4.697,24 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average cũng có thêm 25.77 điểm, hay 0,07%, lên 37.466,11 điểm.
Cả ba chỉ số đều ghi nhận tuần giảm điểm đầu tiên trong 10 tuần gần nhất. Trong đó, Nasdaq giảm mạnh nhất với 3,25%, tuần “tồi tệ” nhất của chỉ số này kể từ tháng 9/2023. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones theo sau với mức giảm lần lượt 1,52% và 0,59%.
S&P 500 đứt chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp |
Chứng khoán Mỹ vẫn chưa thể bứt phá khi một loạt dữ liệu vừa công bố khiến họ phải đánh giá lại khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ sớm cắt giảm lãi suất điều hành.
Nền kinh tế số một thế giới có thêm 216.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 12, cao hơn dự báo 170.000 đơn vị của giới chuyên gia. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đi ngang ở ngưỡng 3,7%, bằng chứng cho thấy sức nóng của thị trường lao động. Với nhu cầu việc làm lớn trong nền kinh tế, Fed có thể sẽ phải lùi thời điểm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Trước khi báo cáo trên được công bố, thị trường nhận định bước cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể tới ngay trong tháng 3/2024.
“Thị trường lao động đang thể hiện tốt, thậm chí là quá tốt. Và lạm phát có thể sẽ tiếp tục ‘nóng’ dựa trên tốc độ tăng trưởng tiền lương hiện tại”, Mike Bailey, Giám đốc Nghiên cứu tại FBB Capital Partners, nhận định. “Kết quả báo cáo việc làm có thể nói là gáo nước lạnh đổ lên kỳ vọng Fed sẽ giảm mạnh lãi suất trong năm nay”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cũng phần nào được xoa dịu khi chỉ số đo lường hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của Viện Quản lý cung ứng (ISM) tiếp tục nằm trong xu hướng tăng trưởng khi đạt 50,6%. Tuy nhiên, số điểm trong tháng cuối cùng của năm 2023 thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường (52,5%) cũng như tháng liền kề trước đó (52,7%).
Đại Phú