Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giao dịch giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 8/4, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 11,24 điểm, tương đương 0,03%, xuống 38.892,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,03% xuống 5.202,39 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite là chỉ số duy nhất giữ được sắc xanh khi tăng nhẹ 0,03% lên 16/253,96 điểm.
Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.) |
Giá cổ phiếu của Tesla tăng 4,9% sau khi CEO Elon Musk thông báo sản phẩm robotaxi của công ty sẽ trình làng ngay đầu tháng 8 tới. Tuy nhiên, diễn biến trên không đủ để hỗ trợ tâm lý chung của thị trường trước đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trong phiên tăng 4 điểm cơ bản lên 4,42%.
Để có thêm dữ liệu về mức độ thành công của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát, nhà đầu tư “háo hức” chờ đợi kết quả báo cáo lạm phát tiêu dùng và sản xuất tháng 3, dự kiến công bố trong một vài ngày tới. Trong đó, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được quan tâm nhất khi góp phần ấn định thời điểm Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo khảo sát của Dow Jones, giới chuyên gia dự báo chỉ số CPI tăng 0,3% so với tháng liền kề trước đó.
Chỉ số Dow Jones vừa ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023 hồi tuần trước. Trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 cũng giảm gần 1%, nhanh nhất kể từ đầu tháng 1 năm nay. Lý do là bởi một loạt dữ liệu kinh tế mạnh, trong đó có lạm phát, có thể khiến môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt tồn tại lâu hơn so với kỳ vọng.
Tâm lý nhà đầu tư Mỹ tồn tại một sự mâu thuẫn nhất định, thể hiện rõ ràng nhất qua phiên tăng điểm muộn hôm thứ Sáu (5/4) sau khi báo cáo việc làm tháng 3 được công bố. Dù số lượng việc làm mới cao hơn tương đối so với dự báo nhưng nhà đầu tư lại coi đó là cơ sở của một nền kinh tế vững mạnh nơi các doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn bất chấp thực tế điều đó có thể “kìm chân” quyết định hạ lãi suất từ Fed.
Đại Phú