Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên giao dịch 26/9 với chỉ số S&P 500 thiết lập số điểm cao kỷ lục mới sau khi một số dữ liệu kinh tế tốt được công bố.
Cụ thể, chỉ số này tăng 0,4% lên 5.745,37 điểm. Đây là phiên thứ tư trong năm phiên giao dịch gần nhất, S&P 500 chốt phiên trên đỉnh lịch sử. Cùng chung diễn biến tích cực, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 260,36 điểm, tương đương 0,62%, lên 42.175,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 18.190,29 điểm.
Giúp hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đi lên là cổ phiếu Micron với mức tăng 14,7% sau khi công ty này công bố triển vọng kinh doanh tốt trong quý hiện tại. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý IV của năm tài khóa này cũng vượt kỳ vọng của giới chuyên gia. Chỉ số VanEck Semiconductor ETF (SMH) nhờ đó tăng 2,9%.
Một số dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn giữ được sự ổn định nhất định, qua đó giúp xoa dịu quan ngại suy thoái nơi nhà đầu tư sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm mạnh lãi suất hồi giữa tháng.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm mạnh hơn dự báo, qua đó phản ánh sức mạnh của thị trường lao động. Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng phi quốc phòng (không bao gồm máy bay) tăng 0,2% trong tháng 8 so với tháng liền trước, vượt dự báo đi ngang của giới chuyên gia. Trong đó, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền dù không tăng nhưng vẫn tốt hơn dự báo giảm 2,6%.
Nổi bật nhất, GDP quý II của Mỹ tăng trưởng 3%. Đây là kết quả cuối cùng sau hai lần công bố sơ bộ trước đó. Trong khi đó, kết quả của quý I được điều chỉnh cao hơn từ 1,4% lên 1,6%, phản ánh sức chống chịu tốt của nền kinh tế số một thế giới.
“Nếu thị trường lao động có vấn đề, thì vấn đề đó không được thể hiện trong báo cáo đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới nhất”, Chris Larkin, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch và đầu tư tại E-Trade, thuộc ngân hàng Morgan Stanley, chia sẻ. “Cho tới khi nào có những bằng chứng mạnh mẽ hơn, những số liệu kiểu này sẽ tiếp tục giúp níu giữ hy vọng hạ cánh mềm đối với nền kinh tế”, ông bổ sung.