Chứng khoán Mỹ ghi nhận một phiên giảm điểm mạnh do số liệu việc làm trong tháng cuối cùng của năm 2024 “nóng” hơn dự báo, điều có thể làm Cục Dự trữ liên bang (Fed) “chùn chân” trên lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 10/1, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 696,75 điểm, tương ứng với 1,63%, xuống 41.938,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,54% xuống 5.827,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,63% xuống 19.161,63 điểm. Kết quả này đẩy các chỉ số vào vùng giảm điểm kể từ thời điểm bước sang năm mới 2025.
Trong tháng 12/2024, kinh tế Mỹ tạo ra 250.000 việc làm mới, cao hơn đáng kể so với dự báo 155.000 đơn vị của giới chuyên gia. Góp phần củng cố sức mạnh của thị trường lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm từ 4,2% xuống còn 4,1%. Sau khi báo cao trên được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm bật tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ cuối năm 2023 đi liền với kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục neo cao lãi suất trong thời gian tới.
“Tin tốt đối với nền kinh tế nhưng lại là tin xấu đối với thị trường, ít nhất ở thời điểm hiện tại”, Scott Wren, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tới từ Viện đầu tư Wells Fargo, chia sẻ. “Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi rằng thị trường lao động sẽ suy yếu trong một vài quý tới”, ông bổ sung.
Hiện tại, theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp cuối tháng 1 tới neo ở ngưỡng gần như tuyệt đối (97%). Thậm chí, diễn biến trên thị trường lãi suất quỹ liên bang đang nghiêng theo hướng NHTW Mỹ sẽ làm điều tương tự trong kỳ họp tháng 3 khi khả năng Fed giảm lãi suất rơi xuống chỉ còn 25%.
Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kết quả khảo sát tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan, khi mà quan ngại về lạm phát nhen nhóm xuất hiện. Kỳ vọng lạm phát của người dân Mỹ trong giai đoạn 1 năm tới tăng từ 2,8% lên 3,3%. Trong khi đó, kỳ vọng 5 năm cũng tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Nhóm cổ phiếu công nghệ luôn “đứng mũi chịu sào” mỗi khi nỗi lo về lạm phát xuất hiện. Giá cổ phiếu Nvidia giảm 3% trong khi AMD và Broadcom giảm lần lượt 4,8% và 2,2%.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ cũng “chao đảo” vì tính chất nhạy cảm với lãi suất. Chỉ số Russell 2000 do đó mất hơn 2%.
Cả ba chỉ số trên thị trường ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Tuần vừa qua, chỉ số S&P 500 giảm 1,9%; Nasdaq Composite giảm 2,3%. Chỉ số Dow Jones “cùng chung cảnh ngộ” khi tụt gần 1,9% trong tuần.