Chứng khoán Mỹ phản ứng không quá mạnh mẽ dù lạm phát tại Mỹ ‘nóng’ hơn trong tháng cuối cùng của năm 2023.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 11/1, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng nhẹ 15,29 điểm, tương đương 0,04%, lên 37.711,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,04% lên 14.970,18 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 lại giảm 0,07% xuống 4.780,24 điểm.
Chỉ số Dow Jones tăng nhẹ trong phiên 11/1 |
Báo cáo lạm phát tháng 12/2023 cho thấy áp lực giá cả “tăng nhiệt” nhẹ so với kỳ vọng. Điều này được thể hiện qua mức tăng 0,3% so với tháng 11 và 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lần lượt 0,2% và 3,2%.
Trong khi đó, CPI lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,3% so với tháng trước và 3,8% so với tháng 12/2022. Mức tăng vắt tháng đồng nhất với nhận định của giới chuyên gia nhưng mức tăng vắt năm lại nằm cao hơn kỳ vọng.
Kết quả trên cho thấy tính chất cố kết của lạm phát, điều có thể khiến các bước cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đến muộn hơn so với dự kiến.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ngay lập tức tăng lên ngưỡng 4,068% sau khi báo cáo lạm phát được công bố trước khi sụt giảm về 3,98%, đi cùng với đó là sự hồi phục của các chỉ số.
Theo Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, diễn biến thị trường trong phiên giao dịch vừa qua vẫn nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm sau và kết quả kinh doanh tốt của nhiều doanh nghiệp trong quý cuối cùng của năm ngoái. Trong tuần này, một số “ông lớn” ngành tài chính sẽ “xuất trận” như Bank of America, Wells Fargo và JPMorgan Chase.
Còn theo Sonu Varghese, Chuyên gia vĩ mô toàn cầu tại Carson Group, kết quả kinh doanh tích cực của một số ngân hàng hàng đầu có thể phản ánh sức bật tốt của người tiêu dùng, qua đó vẽ nên bức tranh tươi sáng hơn đối với kinh tế Mỹ.
Đại Phú