Chứng khoán Mỹ tiếp tục thiết lập những đỉnh cao mới với chỉ số Dow Jones có lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 38.000 điểm.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 22/1, chỉ số Dow Jones Industrial Average có thê, 138,01 điểm, tương đương 0,36%, lên 38.001,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,22% lên 4.850,43 điểm. Đây là số điểm cao nhất mọi thời đại mới của hai chỉ số nói trên. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,32% lên 15.360,29 điểm.
Chỉ số Dow Jones lần đầu chốt phiên cao hơn 38.000 điểm |
Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ nối dài sang tuần giao dịch mới khi trước đó, chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng nhau “phá đỉnh cũ” trước kết quả khảo sát của Đại học Michigan cho thấy người dân nước này vẫn giữ quan điểm lạc quan về tương lai của lạm phát và triển vọng nền kinh tế. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 đã thành công chinh phục đỉnh cao mới sau giai đoạn “hụt hơi” trước đó, đánh dấu sự hình thành của thị trường giá lên khi đã tăng hơn 30% kể từ mức điểm thấp nhất ghi nhận hồi tháng 10/2022.
“Trên thị trường tồn tại tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO)”, Brian Price, Giám đốc đầu tư tại Commonwealth Financial, nhận định. “Thị trường gặp một chút bất ổn hồi đầu năm khi nhà đầu tư tái cân bằng lại danh mục của mình. Nhưng hiện tại, dường như xu hướng tăng điểm đã được hình thành, tiếp nối những gì đã diễn ra trong quý IV/2023”, ông chia sẻ.
Sức mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ phụ thuộc vào kết quả điều hành nền kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tới đích đến “hạ cánh mềm”. Và khả năng đó đang ngày một hiện rõ trước xu hướng suy yếu của lạm phát cũng như kết quả kinh tế tích cực thời gian qua.
Áp lực giá cả đi xuống cũng là cơ sở để thị trường dự báo có tới 40% Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 3 tới, theo công cụ FedWatch của CME Group. Tuy nhiên, con số trên thấp hơn đáng kể so với chỉ một tuần trước đó khi một loạt các quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ lên tiếng khẳng định cơ quan này không cần phải vội vàng kích hoạt chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận hai báo cáo kinh tế quan trọng, bao gồm kết quả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV (công bố vào ngày 25/1) và thước đo lạm phát ưa thích của Fed (chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - PCE), công bố một ngày sau đó. Cả hai báo cáo trên sẽ góp phần định hình quan điểm chính sách của Fed trong thời gian tới.
Đại Phú