Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lời đe dọa áp thuế đối với Trung Quốc của ông vẫn còn hiệu lực. Điều này khiến không ít người cảm thấy thất vọng khi trước đó, nền kinh tế số hai thế giới không nằm trong số các quốc gia thuộc diện đánh thuế thuế đầu tiên của chính quyền mới.
“Chúng tôi đang thảo luận phương án áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dựa trên cơ sở họ đang xuất khẩu mạnh chất cấm fentanyl sang Mexico và Canada”, ông Trump chia sẻ tại một sự kiện diễn ra tại Nhà Trắng. Thời điểm có thể từ ngày 1/2 tới.
Trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump cam kết sẽ đánh thuế tối thiểu 10% đối với toàn bộ các quốc gia trên thế giới có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Cá biệt, mức thuế quan đối với Trung Quốc có thể lên tới 60%. Sau khi trúng cử, vị tân tổng thống còn đe dọa áp thuế bổ sung 10% đối với quốc gia này và 25% đối với hai “láng giềng” Canada và Mexico.
Ngày đầu trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump chỉ nhắc lại ý định áp thuế đối với Canada và Mexico từ ngày 1/2 và mà không có một động thái cụ thể nào với Trung Quốc.
Thay vào đó, ông Trump yêu cầu các cơ quan chính phủ phải điều tra các hành vi thương mại thiếu công bằng và mức độ tuân thủ của Bắc Kinh đối với các điều khoản trong thỏa thuận ký kết dưới nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Thị trường coi đây là cách tiếp cận “chậm rãi” của ông Trump với Trung Quốc.
Trước đây, ông Trump là người có cái nhìn rất khắt khe đối với nền kinh tế số hai thế giới. Đó cũng chính là nguyên nhân châm ngòi chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, mang lại nhiều biến động đối với chuỗi cung ứng cũng như nền kinh tế toàn cầu. Tại nhiệm kỳ này, cách tiếp cận cứng rắn trên khả năng cao sẽ tiếp tục được ông Trump áp dụng.
Các đây vài ngày, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thảo luận nhiều vấn đề như thương mại, fentanyl và số phận mạng xã hội TikTok tại Mỹ.
“Chúng tôi không nói nhiều về thuế quan”, ông Trump chia sẻ.
Còn trong ngày 21/1, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường nhập khẩu với tôn chỉ không cố gắng tìm kiếm “thặng dư thương mại”.
“Chúng tôi muốn nhập khẩu những dịch vụ và sản phẩm cạnh tranh, chất lượng hướng tới hoạt động thương mại cân bằng”, ông Đinh chia sẻ bên lề Hội nghị kinh tế thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông không đề cập cụ thể tới một quốc gia nào.