Fica
  1. Quốc tế

Chiến tranh thương mại đang "gặm nhấm" doanh nghiệp toàn cầu

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nếu cuộc chiến tranh thương mại và đám phán Brexit tiếp tục kéo dài sẽ khiến thương mại toàn cầu bị thu hẹp, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp của các nước có liên quan.

Ralph Hamers, giám đốc điều hành của Tập đoàn ING

Ông Ralph Hamers, Giám đốc điều hành của Tập đoàn đa quốc gia ING

Ông Ralph Hamers, Giám đốc điều hành Tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan ING cho biết: “Chúng tôi thấy khách hàng đang tìm cách tổ chức lại chuỗi giá trị của mình sau những tác động của một số cuộc xung đột thương mại trên thế giới".

Ông Ralph Hamers nói thêm rằng, một số khách hàng cho biết doanh số bán hàng của họ đang trên đà giảm, chi phí sản xuất tăng lên, khiến sản phẩm không cạnh tranh nổi trên thị trường.

“Rõ ràng một cuộc chiến tranh thương mại tác động không tốt đối với các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Việc này đã và đang gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia có liên quan", ông Ralph Hamers nói.

Các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã lo lắng khi cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung tiếp tục diễn biến leo thang. Tuần trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã áp thuế với hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của nhau. Và giờ đây các nhà quan sát thị trường hiện đang chú ý đến một mức thuế mới của Mỹ nhằm vào 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc dự kiến vào cuối năm nay.

Trong khi đó, các yếu tố rủi ro khác như Brexit... cũng đã khiến các nhà đầu tư thận trọng, đặc biệt là sự không chắc chắn xung quanh thời gian và bản chất của thỏa thuận giữa EU và Anh.

Tuy nhiên, ông Hammers trấn an rằng tại thời điểm này dường như không có bất kỳ tác động bất lợi nào từ Brexit.

"Kinh tế Anh đang phát triển khá tốt, việc làm cũng đang được cải thiện. Trong khi kinh tế châu Âu cũng đang tăng trưởng tích cực. Có thể khi đến gần thời hạn thỏa thuận Brexit hơn, sẽ có một số biến động nhưng tôi thực sự hy vọng rằng các chính trị gia sẽ suy nghĩ hợp lý để có được thỏa thuận hợp lý cho cả 2 bên", ông Hamers nhận định.

Vương quốc Anh đã bỏ phiếu vào tháng 6 năm 2016 để rời khỏi EU, nhưng quá trình rời khỏi khối này đã trở nên khó khăn. Ngày Anh rời khỏi EU dự kiến là ngày 29/3/2019, có nghĩa là các nhà đàm phán còn khoảng 7 tháng nữa để kết thúc các cuộc đàm phán về việc di chuyển của dân cư và hàng hóa ở biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Những bất ổn nói trên đã và đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu có thể sụt giảm 1,4% nếu Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đưa ra những chính sách khiến chi phí thương mại của tất cả các bên tăng khoảng 10% và sẽ khiến khoảng 600 nghìn người mất việc.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy khi thuế nhập khẩu được áp đặt, thì chi phí thương mại xuyên biên giới gia tăng lên, làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu. Điều đó sẽ dẫn tới những thiệt hại không nhỏ trong dài hạn.

Do đó, nếu các quốc gia không đẩy mạnh các biện pháp đàm phán, các doanh nghiệp toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo năng suất đi xuống và kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn thương nặng nề.

Theo Cẩm Anh

Enternews