Fica
  1. Quốc tế

Chật vật với dòng tiền, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải từ chối đơn hàng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang phải từ chối các đơn hàng và thu hẹp quy mô sản xuất để tránh bị tồn kho quá nhiều, ảnh hưởng đến dòng tiền do thời gian vận chuyển quá dài.

Sự gián đoạn về vận chuyển cả ở đường biển và đường hàng không do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 gia tăng ở nước này, bao gồm cả việc phong tỏa, đã kéo dài thời hạn thanh toán cho các nhà máy ở Trung Quốc.

Chật vật với dòng tiền, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải từ chối đơn hàng - 1

Sự gián đoạn về vận chuyển cả đường biển lẫn đường hàng không đang khiến hàng tồn kho tăng cao (Ảnh: AP).

Tiền mặt đang bị trói chặt trong các kho hàng mà không thể vận chuyển buộc những người như bà Betty Chen - chủ các xưởng may mặc và các cửa hàng bán buôn ở Quảng Châu - phải hủy đơn hàng để duy trì hoạt động.

Vấn đề này ngày càng gia tăng áp lực cho bà Chen và các chủ doanh nghiệp khác trong bối cảnh họ đang phải vật lộn với giá nguyên vật liệu tăng cao.

'Tôi đã làm trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu hơn một thập kỷ rồi và chưa từng gặp tình huống nào như năm nay", bà Chen nói và cho biết thêm: "Các đơn hàng đặt nhiều nhưng nhà máy nào cũng thiếu dòng tiền trầm trọng và tình hình đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc vận chuyển các lô hàng bị trì hoãn khiến các khoản thanh toán cũng bị đình trệ".

Trước đại dịch, bà Chen phải mất 3 tháng để thực hiện và được thanh toán các đơn đặt hàng, nhưng giờ đây thời hạn kéo dài ít nhất là 4 tháng. Để giải quyết vấn đề này, các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đang bắt buộc phải thanh toán trong vòng 15 ngày trở xuống, thậm chí đôi khi còn yêu cầu thanh toán luôn tiền mặt khi giao hàng.

"Làm sao mà những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động được với vòng quay vốn như vậy?", bà nói và thêm rằng: "Chúng tôi càng sản xuất thì hàng tồn kho càng nhiều".

Tuần trước, Raymond Ye - một nhà sản xuất các thiết bị để sản xuất giày dép ở Chiết Giang - cũng đưa ra một quyết định khó khăn đó là giảm 1/3 sản lượng từ nay đến cuối năm, mặc dù nhà máy của ông dự kiến hoạt động hết công suất và các đơn hàng xuất khẩu vẫn đang chạy.

Ông đã hủy hầu hết các đơn đặt hàng của các thương nhân trực tuyến ở Trung Quốc vì cho rằng rủi ro cao đối với các thanh toán chậm từ người mua qua thương mại điện tử.

Tương tự, Kevin Huang - nhà sản xuất phần cứng xuất khẩu ở tỉnh Quảng Đông - cho biết ông không thiếu đơn đặt hàng hay nhu cầu từ nước ngoài. "Có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng tôi không dám nhận", ông nói và lý giải: "Hiện chúng tôi đang tồn kho 80 container đang chờ xuất hàng. Tôi sắp hết tiền và đang chịu rất nhiều áp lực để chi trả cho các hoạt động. Nhiều nhà máy khác ở đây cũng vậy".

Nhật Linh

Theo SCMP