Các thanh tra Trung Quốc đi ngang qua những đống đất hiếm trên một cầu cảng ở Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc vào tháng 5 năm 2016.
Trung Quốc đã đe dọa sẽ lập danh sách đen liên quan đến việc xuất khẩu tài nguyên đất hiếm của họ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi.
Điều này có nghĩa là nếu các công ty nước ngoài bị Trung Quốc coi là làm tổn hại đến lợi ích của họ hoặc có liên kết với các bên liên quan để làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ hạn chế hoặc đơn giản là cấm xuất khẩu các tài nguyên chiến lược của đất nước cho các công ty ấy, đặc biệt là đất hiếm.
Các công ty nước ngoài này sẽ bị đưa vào “danh sách đen”.
Điều này sẽ tương tự như các hoạt động trong “danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ đối với các công ty nước ngoài giao dịch với Triều Tiên hoặc Iran, hoặc bị cáo buộc về các hành vi bất hợp pháp như rửa tiền hoặc cưỡng bức lao động.
Truyền thông Nhật Bản đã đặc biệt đưa ra lưu ý rằng, điều này có thể bao gồm cả việc Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật.
Một khi luật này được ban hành, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng các biện pháp pháp lý để chính thức hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho các công ty nước ngoài mà họ cho rằng “không thân thiện”.
Dự thảo luật này đã được công bố lần đầu vào ba năm trước và đã được xem xét hai lần trong khoảng thời gian kể từ đó. Dự kiến, cuộc xem xét mới nhất sẽ được tiến hành tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tuần tới trước khi nó được thông qua và thực hiện sớm nhất vào năm 2021.
Nếu dự luật được thi hành, rất có khả năng các công ty Nhật sẽ gặp phải nhiều rủi ro.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, danh sách đen đất hiếm do Trung Quốc lập có khả năng bao gồm các công ty Mỹ, và nếu các công ty từ Nhật Bản và các nước khác ủng hộ việc hạn chế xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thì họ cũng có thể gặp rủi ro.
Các nguyên tố đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài. 17 khoáng chất quý hiếm này đều rất cần thiết cho các công nghệ mang tính chính xác cao khác nhau, cũng như các sản phẩm quân sự và công nghiệp.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc đã kêu gọi ngành công nghiệp đất hiếm sản xuất nhiều sản phẩm cao cấp hơn bằng cách giảm hơn nữa số lượng người sản xuất. Quy hoạch quy định tổng lượng khai thác đất hiếm vào năm 2020 không được quá 140.000 tấn, so với giới hạn 105.000 tấn vào năm 2016.
Theo thống kê, khoảng 90% magie và bari cacbonat của Nhật Bản đều là nhập khẩu từ Trung Quốc. Nói cách khác, hầu hết mọi sản phẩm điện tử và sản phẩm công nghệ ở Nhật Bản đều phải sử dụng đất hiếm.
Do các công ty Nhật Bản tuân thủ các hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc, vì vậy giới kinh doanh ở Nhật Bản đang khá lo ngại về điều luật sắp tới này.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng là quốc gia có nhu cầu lớn về đất hiếm từ Trung Quốc.
Hai năm trước, Mỹ đã liệt kê 35 khoáng sản được coi là quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ. Trong bảng liệt kê này cũng bao gồm 17 nguyên tố đất hiếm mà Trung Quốc sở hữu. Người ta thấy rằng, Mỹ cần nhập khẩu 31 trong số 35 loại khoáng sản. Và khoảng 14 công ty tại Mỹ đều hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất 19 trong số 35 loại khoáng sản này. Ngoài ra, Mỹ, Nga và các quốc gia khác hiện đang gửi khoáng sản đất hiếm của họ cho Trung Quốc để xử lý, điều này có nghĩa là nước này có quyền tác động đến thế giới thông qua việc hạn chế về sản xuất đất hiếm trên toàn cầu.
Gần đây, một số công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei và SMIC đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen và người ta cho rằng Bắc Kinh nên đáp trả bằng cách chặn xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Lá bài đất hiếm là một trong những lá bài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu. Vào tháng 5/2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một công ty sản xuất nam châm từ các thành phần của đất hiếm ở Giang Tây khi cuộc chiến thương mại với Washington bắt đầu nóng lên. Một số người tin rằng động thái này là một tín hiệu cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức ở Mỹ biết đến sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng này.
Thùy Dung
Theo Asia Times