Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)
Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn bất kỳ vắc xin ngừa Covid-19 nào, trước khi phân phối cho 110 triệu dân. Tuy nhiên, Nhóm An ninh Tổng thống (PSG), đội ngũ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Rodrigo Duterte, cho biết một số thành viên của nhóm đã được tiêm vắc xin.
"PSG đã tiêm vắc xin Covid-19 cho các thành viên phụ trách các hoạt động an ninh thân cận với tổng thống", người đứng đầu PSG, Chuẩn tướng Jesus Durante, cho biết, song không nêu cụ thể số lượng người được tiêm vắc xin.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano ngày 28/12 cho biết một số bộ trưởng đã được tiêm vắc xin Covid-19. Tư lệnh lục quân Philippines Cirilito Sobejana cũng thông báo binh sĩ nước này đã được tiêm vắc xin nhưng với số lượng không lớn. Cả hai quan chức đều không tiết lộ loại vắc xin được sử dụng.
Khi được hỏi về việc ông Duterte đã được tiêm vắc xin chưa, ông Durante nói rằng Tổng thống vẫn đang chờ "loại vắc xin hoàn hảo hoặc phù hợp".
"Là đơn vị chủ yếu được giao nhiệm vụ bảo vệ và đảm bảo an toàn cho quan chức cấp cao nhất của đất nước, PSG sẽ phải đảm bảo rằng Tổng thống được an toàn trước mọi mối đe dọa, bao gồm Covid-19. Nhiệm vụ chính của PSG là đảm bảo rằng tổng thống của chúng ta khỏe mạnh để phụng sự người dân Philippines hàng ngày", người đứng đầu PSG cho biết thêm.
PSG hiện có khoảng 4.000 thành viên, tuy nhiên không phải tất cả đều là cận vệ của Tổng thống Duterte. Một số người có nhiệm vụ bảo vệ Phó Tổng thống hoặc các cơ sở trọng yếu của chính phủ Philippines.
Philippines vẫn đang đàm phán với một số hãng dược, trong đó có AstraZeneca của Anh, Pfizer của Mỹ và Sinopharm của Trung Quốc, để mua 60 triệu liều vắc xin Covid-19 trước quý 2 năm 2021.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque, cũng xác nhận các cận vệ của ông Duterte đã được tiêm vắc xin của Sinopharm. Tuy nhiên, ông Roque không giải thích cách Philippines sở hữu số vắc xin này, cũng như số liều vắc xin được tiêm.
Trước đó, Tổng thống Duterte hôm 26/12 nói rằng các binh sĩ Philippines đã được tiêm phòng. Nhà lãnh đạo Philippines cũng cho biết "nhiều người" tại nước này đã được tiêm vắc xin Covid-19 do Sinopharm phát triển.
Tổng thống Duterte từng bày tỏ sự tin tưởng vào vắc xin do Nga và Trung Quốc sản xuất, thậm chí tuyên bố sẵn sàng là người đầu tiên tiêm vắc xin Sputnik-V của Nga.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines đã lên tiếng xoa dịu lo ngại về sự an toàn của vắc xin do Sinopharm sản xuất. Ông Roque nói rằng vắc xin của Sinopharm đã mở ra tia hy vọng cho người dân Philippines và khẳng định vắc xin này "an toàn".
"Nếu chúng tôi không thể tiếp cận vắc xin của phương Tây, người bạn và hàng xóm Trung Quốc của chúng tôi sẵn sàng cung cấp vắc xin cho chúng tôi. Luật pháp không cấm tiêm vắc xin chưa được đăng ký. Thứ bị cấm là phân phối và bán vắc xin", ông Roque nói.
FDA ngày 28/12 đã cảnh báo về việc sử dụng vắc xin Covid-19 chưa được cấp phép, lưu ý rằng hiện chưa có sự đảm bảo về "tính an toàn, chất lượng và hiệu quả" của những vắc xin chưa trải qua quá trình đánh giá kỹ thuật của cơ quan chức năng.
Hơn 470.000 trường hợp mắc Covid-19 đã được ghi nhận tại Philippines, trong khi số ca tử vong đã lên tới hơn 9.100 người. Giới chức nước này lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới sau dịp Giáng sinh năm nay.
Philippines đã ký thỏa thuận mua 2,6 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và dự kiến sẽ mua thêm 30 triệu liều vắc xin từ công ty này.
Trung Quốc hiện có 4 loại vắc xin Covid-19, trong đó có Sinopharm, đang ở giai đoạn phát triển cuối cùng. Các vắc xin của Trung Quốc cũng được thử nghiệm trên người hàng loạt ở nhiều quốc gia. Khác với các vắc xin do phương Tây phát triển, rất ít thông tin được công bố về sự an toàn và hiệu quả của các vắc xin Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo SCMP, Straitstimes