Jeff Bezos - ông chủ của Amazon
Có nhiều tỷ phú đô la ngày nay hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Và có nhiều người sở hữu những khối tài sản khổng lồ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đô la.
Một tỷ đô la nghe có vẻ rất nhiều. Nhưng chỉ khi bạn thực sự so sánh nó với thu nhập của một người bình thường, bạn mới thực sự hiểu giá trị khổng lồ của nó.
Hãy bắt đầu từ đây: Thu nhập trung bình hàng năm của một người làm công ăn lương toàn thời gian ở Mỹ năm 2018 là 46.800 đô la. Và hãy giả sử rằng người lao động trung bình này không phải trả tiền thuê nhà, không hóa đơn VAT, không thuế, không chi phí dưới bất kỳ hình thức nào. Trên thực tế, hãy giả vờ rằng người này không tiêu tiền. Họ chỉ kiếm tiền.
Để kiếm được khối tài sản 1 tỷ USD, họ cần tới…21.000 năm. Đó là khoảng thời gian mà nền văn minh nhân loại đã phát triển từ những nơi cư ngụ trong hang động cho đến ngày nay.
Nhưng trong khi một tỷ đô la là một số tiền hão huyền đối với bất kỳ ai, thì nó thậm chí còn cách rất xa với sự giàu có của những người giàu nhất trong chúng ta hiện nay trên hành tinh. Ở Mỹ, đó là Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon. Giá trị tài sản ròng của ông ước tính khoảng 130 tỷ đô la. Đối với người lao động trung bình của Mỹ, điều đó tương đương với gần 2,8 triệu năm làm việc liên tục ( và một lần nữa, họ không tiêu bất cứ thứ gì)
Đó là khoảng thời gian lâu hơn gấp 10 lần mà loài người (Homo Sapiens) đã tồn tại trên Trái đất.
Tuy nhiên, không phải tất cả người Mỹ đều may mắn ở mức thu nhập trung bình. Chẳng hạn, những nhân viên được trả lương thấp nhất của Amazon - Công ty là nguồn gốc của sự giàu có của Bezos, chi có mức lương tối thiểu là 15 đô la mỗi giờ. Điều này có nghĩa là những người làm việc toàn thời gian, được trả lương thấp nhất của Amazon kiếm được 31.200 đô la một năm. Vì vậy, cần 4,15 triệu năm, họ mới kiếm được nhiều như ông chủ của mình.
Sự bất bình đẳng cực đoan này đang gia tăng. Theo một nghiên cứu chuyên sâu được công bố trong tuần này, sự giàu có ngày càng tập trung trong tay những thiểu số tinh hoa do khả năng tiếp cận không đồng đều với các cơ hội giáo dục cần thiết cho việc thúc đẩy mức thu nhập, chưa kể hàng chục năm giảm thuế cho người giàu.
Vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ, nơi mà việc cắt giảm thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy đã mang lại cho những người giàu nhất một lợi thế lớn khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, trên thực tế, tầng lớp lao động đã trả mức thuế thực cao hơn so với những tỷ phú của đất nước này vào năm 2018.
Thùy Dung
Theo Quartz