Fica
  1. Quốc tế

Campuchia nhận 600.000 liều vắc xin Trung Quốc, ông Hun Sen tiêm đầu tiên

Campuchia sẽ bắt đầu tiêm chủng Covid-19 cho người dân bằng lô vắc xin do Trung Quốc viện trợ từ tuần sau.

Campuchia nhận 600.000 liều vắc xin Trung Quốc, ông Hun Sen tiêm đầu tiên - 1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Hun Sen cho biết lô vắc xin Covid-19 đầu tiên do công ty quốc doanh Sinopharm của Trung Quốc sản xuất sẽ tới Campuchia vào ngày 7/2.

Theo SCMP, Thủ tướng Hun Sen sẽ là người Campuchia đầu tiên tiêm vắc xin và sự kiện này sẽ được phát trực tiếp trên Facebook.

Lô 600.000 liều vắc xin Covid-19 trên nằm trong gói viện trợ 1 triệu liều vắc xin từ Trung Quốc. Loại vắc xin này đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở cả Campuchia và Trung Quốc.

Hiện vẫn còn một số hoài nghi về tính hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, bao gồm Sinopharm, vì các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc không công khai dữ liệu của quá trình thử nghiệm cuối cùng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4/2 đã cảnh báo về vắc xin Covid-19 của Trung Quốc. Ông cho rằng Bắc Kinh "hoàn toàn không chia sẻ thông tin" về việc thử nghiệm vắc xin.

Tuy vậy, nhiều quốc gia vẫn cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 của Trung Quốc. Vắc xin Sinopharm được hơn 10 quốc gia chấp thuận, bao gồm Hungary, Pakistan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain, Maroc, Serbia, Ai Cập, Jordan và Iraq.

Kết quả phân tích tạm thời do Sinopharm công bố cho thấy vắc xin Covid-19 của công ty này an toàn và đạt tỷ lệ chống Covid-19 79%. Vắc xin của Sinopharm có thể vận chuyển được, lưu trữ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C và vẫn ổn định trong 24 tháng.

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia, một nhóm chuyên gia Trung Quốc ngày 3/2 đã tập huấn cho nhân viên y tế Campuchia về cách sử dụng, lưu trữ và vận chuyển vắc xin.  

Thủ tướng Hun Sen cho biết vắc xin sẽ được tiêm miễn phí cho các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên, lực lượng vũ trang, lái xe và người thu gom rác, cùng một số nhóm khác.

Campuchia đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 500.000 người trước Tết Khmer vào giữa tháng 4. Campuchia hiện là một trong những nước bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch Covid-19, với 470 ca nhiễm và không có ca tử vong nào.

Brazil mua thêm 20 triệu liều vắc xin của Trung Quốc

Thống đốc bang Sao Paulo, Brazil Joao Doria ngày 4/2 nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, Brazil đang đàm phán để mua thêm 20 triệu liều vắc xin Covid-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Đơn đặt hàng này sẽ bổ sung vào 100 triệu liều vắc xin của công ty Sinovac Biotech, hay còn gọi là vắc xin CoronaVac, đã được viện y sinh Butantan của bang Sao Paulo đặt mua.

Joao Doria, thống đốc của bang đông dân và giàu có nhất Brazil, đứng sau nỗ lực thúc đẩy thử nghiệm và phân phối vắc xin CoronaVac ở Brazil, củng cố tham vọng tranh cử tổng thống của ông và gia tăng cơ hội cạnh tranh với Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro.

Tuy nhiên, vắc xin CoronaVac chỉ đạt hiệu quả hơn 50% trong quá trình thử nghiệm tại Brazil, thấp hơn nhiều so với các vắc xin khác trên thị trường. Do vậy, một số người dân Brazil nghi ngờ về việc liệu nước này có nên sử dụng CoronaVac để đối phó với đại dịch Covid-19 hay không.

Tổng thống Bolsonaro, người hoài nghi về vắc xin Covid-19 của Trung Quốc và chỉ trích Bắc Kinh, ban đầu không chấp nhận vắc xin của Sinovac nhưng sau đó đã đổi ý do không có nhiều lựa chọn, sau khi Bộ Y tế Brazil không đảm bảo được hợp đồng với các nhà phát triển vắc xin khác.

Brazil hiện là nước có số người chết vì Covid-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Số ca tử vong tại Brazil cho đến nay đã lên tới hơn 228.000 trường hợp, trong khi số ca nhiễm cũng vượt 9,3 triệu người.

Thành Đạt

Theo Reuters, SCMP