Năm 2019, 25% hàng hoá xuất khẩu của Campuchia là xuất sang thị trường EU.
Theo đó, EU sẽ áp thuế quan đối với 20% hàng hoá xuất khẩu từ Campuchia sang khối này, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD hàng hoá.
Quyết định này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại Campuchia vốn đang đầy rẫy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước đó, tháng 2/2020, Liên minh châu Âu đã quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận "Tất cả trừ vũ khí" (EBA) dành cho Campuchia và bắt đầu có hiệu lực từ 12/8.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, 25% hàng hoá xuất khẩu của Campuchia là xuất sang thị trường EU. Campuchia cũng là nước hưởng lợi lớn thứ hai sau Bangladesh trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc giá rẻ.
Do vậy, với quyết định này, 40 mặt hàng xuất khẩu của Campuchia vào EU sẽ phải chịu mức thuế lên tới 12%, bao gồm: hàng hoá du lịch, đường ăn và các sản phẩm dệt may và da giày.
40 mặt hàng xuất khẩu của Campuchia vào EU sẽ phải chịu mức thuế lên tới 12%
Bất chấp thời hạn 6 tháng theo khuyến nghị được đưa ra hồi tháng 2/2020, Thủ tướng Campuchia Hun Sen vẫn từ chối thực hiện các nhượng bộ theo yêu cầu của Liên minh châu Âu.
Thay vào đó, Campuchia đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc và dự kiến sẽ sớm ký một hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hiệp định FTA với Trung Quốc – vốn tập trung vào xuất khẩu nông sản và được hoàn thành trong vòng chưa đầy 6 tháng - có vẻ mang tính biểu tượng hơn là thực tế, và sẽ giúp ích rất ít cho ngành may mặc vốn sử dụng hơn 900.000 công nhân của Campuchia.
Riley Walters, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Di sản - cho biết: "FTA với Trung Quốc sẽ không đủ. Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu lớn cho hàng may mặc của Campuchia".
Nhà phân tích Imogen Page-Jarrett của Tổ chức Tình báo Kinh tế (EIU) cũng cho biết, tổ chức này dự báo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Campuchia sẽ chỉ đạt 13,4% trong năm nay. Sự sụt giảm này, theo bà, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu yếu, nhưng một phần là do mất một phần ưu đãi từ EBA.
“Chúng tôi dự đoán, việc đóng cửa các nhà máy và mất việc làm liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Campuchia”, bà Page-Jarrett nói với Nikkei Asian Review.
Ông Sheng Lu, Phó giáo sư tại khoa nghiên cứu thời trang và may mặc của Đại học Delaware - cho biết, lệnh đình chỉ sẽ dẫn đến tác động "đáng kể và lâu dài" đối với lĩnh vực may mặc của Campuchia.
“Đối với những danh mục hàng may mặc bị nhắm mục tiêu trực tiếp bởi lệnh đình chỉ EBA, các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ của EU có thể nhanh chóng chuyển các đơn hàng từ Campuchia sang các nước khác để tránh phải trả thêm thuế quan”, ông Lu nói với Nikkei.
Lâu nay, “việc theo đuổi mức giá thấp, bao gồm cả việc tận dụng lợi thế mức thuế ưu đãi từ EBA, là những lý do chính khiến các công ty thời trang châu Âu lựa chọn nguồn cung cấp từ Campuchia”, ông nói.
Nhật Linh
Theo Nikkei