Trung Quốc dự kiến cải cách chính sách đất đai nông thôn. Ảnh: Reuters
Hệ thống đăng ký hộ khẩu và luật sử dụng đất của Trung Quốc đã phải đối mặt với những chỉ trích vì khiến cho sự phân hóa giữa thành thị - nông thôn ngày càng tồi tệ và làm chậm quá trình phát triển.
Các nhà cải cách Trung Quốc đang thúc giục chính phủ triển khai kế hoạch cải cách ruộng đất nông thôn vốn được chờ đợi từ lâu vì cho rằng nó sẽ giải phóng nguồn lực tăng trưởng, khi dịch Covid-19 và tranh chấp với các đối tác thương mại lớn đang định hình lại môi trường kinh tế.
Một số quan sát viên tin rằng cải cách ruộng đất sẽ đem đến cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một sự thúc đẩy theo cách mà tư nhân hóa nhà ở đã diễn ra vào năm 1998 và sự nổi lên của Trung Quốc khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.
Mặc dù đây vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng việc chia sẻ rộng rãi hơn doanh thu đất đai không chỉ giúp những người dân nông thôn vốn phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch mà còn tăng thu nhập và các khoản chi tiêu của họ. Nó cũng cho phép nhiều người tái định cư ở các thành phố tìm được công việc với mức lương cao hơn.
Trung Quốc đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với đất đai kể từ khi quyền sở hữu công cộng xuất hiện vào những năm 1950. Trong vòng 3 thập kỷ qua, chính quyền địa phương đã sử dụng quyền hạn của mình để quản lý chặt chẽ đất đai ở nông thôn vì cho là cần thiết với các dự án công nghiệp và phát triển bất động sản.
Các cuộc di dời mang tính ép buộc, thường chỉ được bồi thường bằng khoản tiền ít ỏi, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình rầm rộ và nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Theo Cục Thống kê Quốc gia, trong quý đầu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân ở thành thị cao gấp 2,5 lần so với ở nông thôn.
Mặc dù khoảng 60% người dân Trung Quốc sống ở các thành phố và thị trấn vào năm ngoái, nhưng chỉ có 44% trong số đó là cư dân hợp pháp dựa trên hệ thống đăng ký hộ khẩu của nước này. Hệ thống này chia dân số thành cư dân nông thôn và cư dân thành thị. Vì vậy, những người di cư từ vùng nông thôn khó có thể hòa nhập hoàn toàn vào thành phố nơi họ làm việc. Hệ thống từ lâu cũng đã bị chỉ trích vì làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế.
Vào cuối năm ngoái, xấp xỉ 291 triệu người dân nông thôn, chiếm khoảng 38% lực lượng lao động Trung Quốc, đã chuyển đến các thành phố để tìm kiếm những công việc có mức lương cao hơn. Nhưng những người dân di cư này lại bị cấm bán những mảnh đất nông nghiệp bỏ không ở quê nhà của họ.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính có khoảng 6,7 triệu ha đất nông thôn bị bỏ trống vào cuối năm 2018. Trong khi đó, tổng diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở, nhà máy và các tòa nhà lên tới khoảng 19 triệu ha.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các luật lệ cứng nhắc về đất đai ở vùng nông thôn của các tỉnh có thể được nới lỏng. Trung Quốc bắt đầu ban hành luật quản lý đất đai mới từ tháng 1 và Quốc vụ viện cũng như nội các chính phủ nước này đã đưa ra cam kết vào tháng 4 rằng sẽ tăng cường cải cách định hướng thị trường, bao gồm cả việc quản lý đất đai.
Huang Qifan, phó Chủ tịch trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết những sáng kiến mới này gợi nhớ đến những cải cách trước đó mà Trung Quốc đã thực hiện vào cuối những năm 1970.
“Phạm vi cải cách hiện nay có thể so sánh với hệ thống khoán đất đai nông thôn do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo trong những năm 1980 hoặc hệ thống đấu giá đất từ những năm 1990.”, ông này nói.
Trong một sự kiện được tổ chức bởi China Finance 40 Forum, ông Huang cho rằng cải cách đất đai “có thể tạo ra hàng chục nghìn tỷ CNY cổ tức trong những thập kỷ tới và chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển của đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn.”
Theo ông Liu Shouying, Trưởng khoa kinh tế tại Đại học Renmin, cải cách ruộng đất tạo cơ hội cho Trung Quốc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vì đất đai và lao động giá rẻ là nền tảng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập kỉ.
“Không giống như mô hình tăng trưởng trước đây, cải cách hệ thống đất đai của Trung Quốc nên được sử dụng để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi kinh tế. Nguyên tắc cơ bản là thừa nhận quyền bình đẳng trong việc sử dụng đất đô thị và nông thôn, đồng thời trao cho người nông dân nhiều quyền lợi hơn đối với tài sản trong quá trình đô thị hóa.”
Đô thị hóa, đặc biệt là sự phát triển của các cụm thành phố, được giới hoạch định chính sách Trung Quốc tin tưởng là một nhân tố quan trọng đối với việc mở rộng kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ đạt được những thành công hạn chế đối với việc giải quyết cải cách ruộng đất trong quá khứ, làm dấy lên nghi ngờ liệu cuộc cải cách lần này có thể đi được bao xa.
Hương Vũ
Theo SCMP