Nước sông Mekong ở hạ lưu đã xuống thấp kỷ lục hồi năm ngoái (Ảnh: AFP)
AFP đưa tin, Ủy hội sông Mekong (MRC) - gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - ngày 16/6 ra tuyên bố nói rằng mực nước thấp kỷ lục cho thấy Trung Quốc cần thiết phải công khai các dữ liệu kịp thời từ các con đập để các quốc gia láng giềng có thể dự báo các tình huống xấu.
Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Quốc công bố “dữ liệu cả năm để giám sát và báo cáo hiệu quả về tình trạng hạn hán và lũ lụt”.
Mekong là con sông dài nhất Đông Nam Á và hỗ trợ đời sống cho khoảng 60 triệu người.
Nhưng Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đều gặp phải hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái khi mực nước sống xuống mức kỷ lục, khiến đá trơ ra, làm chết cá và đe dọa sinh kế của hàng triệu người.
Trung Quốc đã xây tổng cộng 11 con đập thủy điện ở thượng nguồn. Theo một hình ảnh vệ tinh được tổ chức “Eyes on Earth” (Mỹ) công bố hồi tháng 4, các đập thủy điện trên sông Mekong đã giữ lại lượng nước trên mức trung bình hàng năm.
Pianporn Deetes, từ tổ chức Các con sông quốc tế, cho rằng ý chí chính trị “là cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại môi trường hiện nay giữa các quốc gia Mekong. Điều này bao gồm việc thay đổi cách thức các con đập được vận hành”.
Mỹ, vốn cạnh tranh với Trung Quốc về các ảnh hưởng địa chính trị tại châu Á, đã bày tỏ lo ngại về các đập thủy điện trên sông Mekong. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo rằng các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong nhằm tập trung kiểm soát nguồn nước ở hạ nguồn.
Trung Quốc luôn bác bỏ trách nhiệm trong việc mực nước thấp ở hạ nguồn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi năm ngoái nói rằng nước này đã xả nhiều nước hơn theo đề nghị của Thái Lan khi nước này gặp hạn hán.
An Bình
Theo AFP