Fica
  1. Quốc tế

Các doanh nghiệp bi quan hơn về kinh tế Mỹ

Đại Phú
Đại Phú

Nhu cầu tiêu dùng suy yếu trước lạm phát cao châm ngòi quan ngại về tương lai nền kinh tế số một thế giới.

Hoạt động kinh tế tại Mỹ tiếp tục mở rộng trong giai đoạn từ đầu tháng 4 tới giữa tháng 5 nhưng các doanh nghiệp lại cảm thấy bi quan hơn về tương lai khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu trước đà gia tăng của áp lực giả cả. Đây là kết quả khảo sát vừa được Cục Dự trữ liên bang (Fed) công bố ngày 29/5. 

Bài khảo sát trên được thực hiện trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách cảm thấy chưa chắc chắn về thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi đã giữ nguyên lãi suất ở ngưỡng 5,25-5,5% trong 10 tháng qua. Họ vẫn đang theo sát các dữ liệu kinh tế, bao gồm xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường việc làm và áp lực giá cả trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

“Hoạt động kinh tế trên toàn quốc gia tiếp tục mở rộng nhưng có sự khác biệt giữa các lĩnh vực và khu vực địa lý”, kết quả khảo sát Beige Book chỉ rõ. Khảo sát này được thực hiện đối với nhiều doanh nghiệp tại 12 địa phương nơi các chi nhánh của Fed đặt trụ sở trong giai đoạn 6 tuần kết thúc vào ngày 20/5. “Nhìn chung, các doanh nghiệp cảm thấy bi quan hơn trong bối cảnh tương lai chính sách tiền tệ còn nhiều bất định trong khi rủi ro giảm tốc kinh tế ngày một gia tăng”, theo nội dung kết quả khảo sát. 

Các doanh nghiệp Mỹ bi quan hơn về nền kinh tế

Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm là mối quan ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp, Fed Dallas cho biết. Trong khi đó, tình hình xung đột tại Trung Đông và căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực khác trên phạm vi toàn cầu là thách thức lớn đối với tăng trưởng trong thời gian tới. 

Phần lớn các địa phương trong bài khảo sát đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh tế “khiêm tốn” hoặc không thay đổi. Đặc biệt, doanh số bán lẻ được miêu tả chỉ đi lên nhẹ hoặc đi ngang, góp phần củng cố bằng chứng cho thấy người tiêu dùng đang dần thắt chặt hầu bao. 

Lãi suất quỹ liên bang được dự báo tiếp tục được neo ở ngưỡng hiện tại trong kỳ họp chính sách tiền tệ tháng tới, và các quan chức Fed liên tục phát đi tín hiệu rằng họ cần thêm nhiều tháng lạm phát suy yếu trước khi tiến hành nới lỏng. Dù đã đứt xu hướng tăng trong ba tháng đầu năm, diễn biến của lạm phát vẫn chưa thể mang lại sự hài lòng khi vẫn neo cao hơn mục tiêu 2% của Fed. 

Trong khi đó, xuất hiện một số tín hiệu cho thấy lạm phát hoàn toàn có khả năng “nóng” trở lại trong thời gian tới trước đà tăng chi phí hàng hóa, vật liệu đầu vào. 

“Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới giá cả, qua đó tạo ra áp lực đối với biên lợi nhuận. Chúng tôi dự báo họ sẽ phải triển khai nhiều hơn các giải pháp kích cầu”, Jeffrey Roach, Kinh tế trưởng tại LPL Financial, bình luận sau khi kết quả khảo sát được công bố. 

Còn đối với các quan chức Fed, thị trường lao động mang lại một số điểm tích cực khi tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại kéo số lượng người lao động có sẵn tăng lên. Trong tháng 4, kinh tế Mỹ ghi nhận số lượng việc làm mới thấp nhất trong nửa năm trở lại đây trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương lần đầu rơi xuống dưới 4% sau gần ba năm. Nhưng nhìn chung, thị trường lao động vẫn “duy trì được sức nóng”.

Đại Phú