Khách du lịch Trung Quốc xem chương trình flyboard bên bãi biển ở Nha Trang, Việt Nam.
Sự bùng nổ trong du lịch nước ngoài tới từ những người Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến ngành du lịch trên khắp Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng, sự suy giảm đột ngột của du khách Trung Quốc đang trở thành một vết cắt đau đớn cho các quốc gia như Thái Lan và Indonesia, những quốc gia đã trở nên quá phụ thuộc vào nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Ông Kampon Adireksombat, người đứng đầu tại phòng nghiên cứu kinh tế và tài chính có trụ sở tại Bangkok của Siam Commercial Bank Pcl cho biết. “Sự sụt giảm bất ngờ về lượng khách du lịch và chi tiêu tới từ Trung Quốc đang được cảm nhận trên toàn khu vực. Luôn luôn có rất nhiều rủi ro khi chỉ dựa vào một thị trường, bởi vì đó, nhiều quốc gia có thể sẽ không tìm được sự thay thế mới đủ nhanh để tránh sự suy giảm đột ngột này”
“Sự sụt giảm dự kiến sẽ mạnh mẽ hơn vào năm 2020 nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc”, ông nói.
Theo một báo cáo của McKinsey, thu nhập của người Trung Quốc tăng nhanh trong thập kỷ qua đã thúc đẩy sự tiêu dùng của Trung Quốc, khiến họ trở thành thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới.
Các tour du lịch nói tiếng Quan thoại, các quán ăn Trung Quốc và các dịch vụ thanh toán di động của Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều, từ Đà Nẵng đến Yogyakarta, những khách du lịch này đã coi Đông Nam Á là một điểm đến lý tưởng, bởi sự gần gũi trong văn hóa và các món ăn quen thuộc.
Và sự sụt giảm bất ngờ này hiện đang đe dọa ngành công nghiệp du lịch của toàn Đông Nam Á, với những khoản dư thừa lớn sau khi các công ty và chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi và rót hàng triệu đô la vào việc mở rộng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và cơ sở du lịch, nhưng, hiện tại hầu hết đều trống vắng.
Tại Thái Lan, lượng khách du lịch tới từ Trung Quốc đã giảm trong năm trên bảy tháng vào năm 2019. Tại Indonesia, khách du lịch Trung Quốc cũng đã giảm trong sáu tháng liên tiếp, tính đến tháng Bảy năm nay.
Việt Nam cũng không ngoại lệ khi lượng du khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông đã giảm 3% trong bảy tháng đầu năm 2019, trái ngược hoàn toàn so với so với mức tăng 34% trong cùng kỳ năm ngoái
Những kỳ vọng phi thực tế
Những mối đe dọa đang được thể hiện qua những con số. Hệ thống khách sạn nổi tiếng Thái Lan, Central Plaza Pcl đã báo cáo việc kinh doanh khách sạn của mình giảm mạnh trong quý II do nhu cầu của người Trung Quốc giảm. Tỷ lệ lấp đầy trong các khách sạn ở Thái Lan đã giảm 7% trong quý, trong khi nhà điều hành có trụ sở tại Bangkok vừa xây dưng thêm 2.040 phòng để thêm vào danh mục hiện có 6.678 phòng.
Thủ đô Thái Lan cũng đang đầu tư thêm 3,9 tỷ USD vào các khách sạn. Trên đảo Phuket, nơi là điểm đến yêu thích cho những đám cưới bên bờ biển và lặn biển, sẽ có thêm 18% phòng khách sạn vào năm 2024, theo tư vấn của C9 Hotelworks Ltd., tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Thái Lan trong năm nay chỉ tăng 2%, theo dữ liệu từ Bộ du lịch Thái Lan.
“Nguồn cung cần có con người, nhưng những nhà đầu tư đang có kỳ vọng không thực tế”, giám đốc điều hành của C9, ông Bill Barnett cho biết.
Sự tan biến tới từ Trung Quốc
Tại Malaysia, du khách Trung Quốc là nhóm du khách lớn nhất của đất nước này, chiểm 403,7 tỷ đô la trong tổng doanh thu GDP của quốc gia này năm 2019.
Khách du lịch đến thăm Quảng trường Hà Lan tại thành phố Malacca, Malaysia
Ở Thái Lan và Philippines, tăng trưởng du lịch chiếm hơn một phần năm GDP của họ - gấp đôi so với mức trung bình của toàn cầu.
Nhưng, sự bùng nổ đã tan biến trong nửa đầu năm nay khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, đồng nhân dân tệ suy yếu xuống mức thấp nhất trong lịch sử và một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng tới từ Đại lục.
Trong khi các vấn đề trong nước của Trung Quốc là một nguyên nhân, các yếu tố ở mỗi quốc gia Đông Nam Á cũng là nguyên nhân khác cho sự suy giảm.
Đồng Baht của Thái Lan đã tăng mạnh nhất so với đồng nhân dân tệ trong năm nay trong số các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, khiến việc đi lại trở nên đắt đỏ hơn đối với khách du lịch Trung Quốc. Một tai nạn thuyền năm ngoái đã làm chết 47 khách du lịch Trung Quốc ngoài khơi đảo Phuket của Thái Lan cũng đóng góp vào việc mất niềm tin.
Tại Bali, phó chủ tịch hội đồng xúc tiến du lịch, Ngurah Wijaya nói rằng, “Những vấn đề nội bộ của Bali như ùn tắc giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của khách du lịch Trung Quốc. Những khách du lịch giờ đây ở lại ít ngày hơn và chi tiêu ít hơn. Có vẻ như họ đã bắt đầu thấy chán với Bali”
“Căng thẳng song phương sau khi một tàu Trung Quốc khảo sát dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 7 cũng góp phần làm giảm khách du lịch từ Trung Quốc”, Phó tổng giám đốc Vietnamtourism-Vitours, ông Thanh Tùng cho biết.
Sự chậm lại trong du lịch đã làm suy yếu một trụ cột tăng trưởng của Đông Nam Á, đặc biệt tại thời điểm xuất khẩu đang bị khủng hoảng do cuộc chiến thương mại. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tháng 7 đã giảm dự báo tăng trưởng trong khu vực năm nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á xuống còn 5% từ mức 5,1% trong báo cáo tháng 4, báo hiệu sự chậm lại.
Nỗ lực vươn xa
Các quốc gia Đông Nam Á hiện đang cố gắng đa dạng hóa các cách thức tiếp cận của họ để thu hút du khách từ các quốc gia khác.
Thái Lan miễn lệ phí visa cho khách du lịch Ấn Độ vào đầu năm nay. Các nhà khai thác hàng không và khách sạn cũng đang cố gắng tăng cường kết nối giữa hai nước.
Việt Nam, nơi khách du lịch Trung Quốc chiếm một phần ba trong số 15 triệu du khách nước ngoài vào năm ngoái, đang thiết lập văn phòng xúc tiến du lịch ở Mỹ và Úc, trong khi các chuyến bay trực tiếp giữa Ấn Độ và Việt Nam đang được lên kế hoạch vào tháng Mười.
Nhưng ít nhất trong ngắn hạn và trung hạn, lỗ hổng mà du khách Trung Quốc để lại dường như là quá lớn để lấp đầy.
“Khách du lịch Trung Quốc là nhóm khách lớn nhất theo số lượng”, Hội đồng xúc tiến du lịch Bali cho biết. “Ngay cả sự gia tăng của du khách tới từ các quốc gia khác cũng không thể bù đắp cho sự vắng mặt của họ”
Thùy Dung
Theo Bloomberg