Fica
  1. Quốc tế

Cả nước thành "ổ dịch lớn", Đức đối mặt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Lãnh đạo cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức cho biết nước này đã bước vào "tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc" do số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt.

Cả nước thành ổ dịch lớn, Đức đối mặt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 - 1

Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Freising, Đức ngày 16/11 (Ảnh: AFP).

Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của chính phủ Đức, ngày 19/11 cho biết các bệnh viện và khu điều trị tích cực tại một số khu vực ở Đức đang rơi vào tình trạng quá tải, khiến dịch vụ chăm sóc y tế thường xuyên không thể đảm bảo hoạt động.

Lực lượng không quân Đức cho biết họ đang chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế còn giường bệnh. Trong bối cảnh các giường điều trị tích cực chật kín bệnh nhân và thiếu nhân viên y tế, một bệnh viện ở Freising, bang Bavaria đã đưa ra quyết định chưa từng có là chuyển một bệnh nhân mắc Covid-19 đến miền bắc Italy để điều trị.

"Toàn bộ nước Đức bây giờ là một ổ dịch lớn. Đây là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chúng ta cần phải nhấn phanh khẩn cấp", ông Wieler nói với các phóng viên ở Berlin.

Ông Wieler kêu gọi chính phủ Đức áp đặt các biện pháp bổ sung khẩn cấp để giải quyết tình trạng ca mắc Covid-19 tăng cao, với khoảng 50.000 ca nhiễm mỗi ngày trong 3 hôm liên tiếp.

Đức ngày 19/11 cũng ghi nhận thêm 200 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên hơn 98.700 trường hợp kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Tính đến nay, Đức ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc Covid-19 và hiện là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới.

Cảnh báo của ông Wieler được đưa ra sau khi thượng viện Đức hôm 19/11 thông qua các biện pháp mới để kiểm soát sự bùng phát của làn sóng Covid-19. Các biện pháp này bao gồm yêu cầu người dân phải chứng minh họ đã được tiêm vaccine Covid-19, mới khỏi bệnh sau khi nhiễm virus, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính để tới nơi làm việc chung hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các nhân viên cũng sẽ phải làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể.

Một số bang tại Đức cũng đang xem xét việc tiêm chủng bắt buộc đối với một số người làm các công việc chuyên môn như nhân viên y tế và nhân viên viện dưỡng lão.

Áo, nước láng giềng với Đức, cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Áo bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa đối với người chưa tiêm chủng vaccine từ ngày 15/11. Những người thuộc diện phong tỏa sẽ phải ở trong nhà, ngoại trừ các lý do đặc biệt như khám chữa bệnh, mua nhu yếu phẩm.

Đức hiện vẫn chưa áp đặt các biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên, giới chức nước này kêu gọi người dân đẩy mạnh tiêm chủng.

Khoảng 68% dân số Đức đã được tiêm chủng đủ hai liều vaccine Covid-19. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ trung bình ở các quốc gia Tây Âu, do một bộ phận người dân tại đây vẫn chần chừ tiêm chủng. Chỉ khoảng 5% dân số Đức đã tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 19/11 kêu gọi "nỗ lực chung của cả nước" để ứng phó với số ca nhiễm gia tăng.

"Trong ngắn hạn, chúng ta chưa thể kiểm soát làn sóng lây nhiễm chỉ bằng tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường", ông Spahn cho biết trong một cuộc họp báo chung với ông Wieler, người đã kêu gọi dân Đức giúp hạn chế sự lây lan của virus bằng cách hạn chế tiếp xúc xã hội.

Thành Đạt

Tổng hợp